Tăng cường quản lý chính ngạch ngoại hối vùng biên

(ĐTTCO) - Ngày 28-8-2018, NHNN đã ban hành Thông tư  19/2018/TT-NHNN, về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. 
Tuy nhiên, ngay sau khi NHNN ra Thông cáo báo chí về việc ban hành Thông tư 19, đã làm dấy lên rất nhiều ý kiến bàn luận mang tính lo ngại của các chuyên gia, luật sư, người dùng trong nước và cả trên truyền thông quốc tế.
Thỏa thuận chuyển đổi VNĐ và NDT từ năm 1993
Thực ra những thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc và chỉ đạo của Chính phủ từ năm 1993, hai nước đã thống nhất hàng hóa buôn bán qua biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc bằng đồng Việt Nam (VNĐ)  và đồng tiền của nước có chung biên giới.
Chẳng hạn sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, ngày 7-11-1991, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã ký kết Hiệp định thương mại tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động giao lưu thương mại giữa hai nước.
 Thông tư 19 chỉ áp dụng ở 7 tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, và cũng chỉ áp dụng cho số thương nhân, cá thể thương mại ở biên giới. Nếu giám sát nghiêm ngặt và toàn diện, sẽ có kết quả tốt, giúp quản lý được mọi giao dịch chính ngạch với sự tham gia của các NH, thực hiện được các quy định về ngoại hối do NHNN Việt Nam ban hành theo luật.
TS. LƯU BÌNH NHƯỠNG
Năm 1993, NH Trung ương hai nước đã ký kết Hiệp định về thanh toán và hợp tác. Điều 3 của Hiệp định quy định: Việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ giữa các tổ chức ngoại thương và các thực thể kinh tế khác thuộc vùng biên giới của hai nước, được thực hiện qua các NHTM với các phương thức sau: (1)Thanh toán trả bằng ngoại tệ chuyển đổi, hoặc bằng đồng tiền khác do hai bên bàn bạc chấp thuận. (2) Thanh toán trả bằng hàng. Trường hợp có chênh lệch giữa xuất và nhập việc thanh toán do các doanh nghiệp hai nước thỏa thuận.
Năm 1998, hai nước ký Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới, quy định: Thanh toán, kết toán trong mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa hai nước được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc (VNĐ) hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc (NDT) theo các phương thức thanh toán do hai bên mua bán thỏa thuận. Các vấn đề cụ thể về thanh toán, kết toán do NH Trung ương hai nước thỏa thuận. 
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định 252/2003/QĐ-TTg, về quản lý buôn bán hàng hóa qua biên giới với các nước có chung biên giới, quy định: (1) Hàng hóa buôn bán qua biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc bằng VNĐ và đồng tiền của nước có chung biên giới.
(2) Phương thức thanh toán do các bên mua, bán thỏa thuận phù hợp các quy định của NHNN Việt Nam, trên cơ sở Hiệp định về thanh toán được ký kết giữa nước ta và các nước có chung biên giới; khuyến khích các chủ thể kinh doanh thanh toán qua NH theo các phương thức: mở tín dụng thư; hàng đổi hàng; thanh toán qua NH bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc bằng VNĐ và đồng tiền của nước có chung biên giới. 
Tăng cường quản lý chính ngạch ngoại hối vùng biên ảnh 1
Tăng cường quản lý chính ngạch ngoại hối vùng biên ảnh 2 Giao dịch ngoại hối VNĐ và NDT chỉ áp dụng cho một số thương nhân,
cá thể thương mại ở 7 tỉnh biên giới. 
Thực hiện  chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 290/VPCP-KTTH ngày 16-1-2003 của Văn phòng Chính phủ, về việc thu tiền của nước có chung biên giới, NHNN đã ra Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN, ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (QĐ 689). Từ năm 2004 đến nay, các NHTM tại vùng biên  cung cấp dịch vụ thanh toán biên mậu theo quy định của QĐ 689.Giải thích không rõ ràng, thuyết phục
Vì sao lại có Thông tư 19? 
Năm 2018, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành  Nghị định 14/2018/NĐ-CP (NĐ 14), quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia. Theo đó, NĐ14 giao trách nhiệm NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh biên giới quản lý, hướng dẫn về thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới.  
Tuy nhiên, trong NĐ 14 chưa đề cập đích danh đồng NDT, mà mới dùng cụm từ “ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng tiền của nước có chung biên giới”.  Đáng tiếc là NHNN hình như cũng chưa lường trước được dư luận khi thông cáo báo chí về việc ban hành Thông tư 19. Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 28-8, lẽ ra NHNN phải có sự giải thích đầy đủ cơ sở pháp lý từ trước đến nay về thanh toán với các nước chung biên giới, chứ không chỉ  dẫn QĐ 689. Bên cạnh đó, nếu cần thiết nên có thêm thông lệ quốc tế.
Có thể thấy thông tin trong thông cáo báo chí  còn rất chung chung, như tạo sự đồng bộ với các quy định hiện hành, góp phần hoàn thiện chính sách, góp phần thực thi chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại... nên không giải thích được đầy đủ, rõ ràng có tính  thuyết phục dư luận.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhận xét: “Thực ra quy định của NHNN chỉ là công nhận một thực tế đã và đang diễn ra giữa các thương nhân, cư dân biên giới. Ở đây chỉ là quy định cho khu vực biên giới, cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc, chứ không áp dụng cho toàn lãnh thổ Việt Nam. NHNN quy định thanh toán bằng NDT qua tài khoản mở tại chi nhánh NH biên giới, điều này còn chặt chẽ hơn, thuận lợi hơn cho Nhà nước trong quản lý”.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC, TS. Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas của Singapore), cho rằng: “Thông tư 19 nhằm tăng cường quản lý chính ngạch các giao dịch ngoại hối đối với NDT, tạo điều kiện tốt hơn cho các quá trình giao dịch ngoại hối VNĐ và NDT ở vùng biên giới”. 
Như vậy, Thông tư 19 nhằm thúc đẩy thanh toán biên mậu, tạo thuận lợi cho người dân hai nước trong việc giao thương, nhưng vấn đề quan trọng là phải thực hiện nghiêm ngặt quản lý nhà nước về ngoại hối áp dụng cho 7 tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam. Hơn nữa, nhằm tránh những rủi ro rất lớn từ quy mô thương mại điện tử và độ phủ hoạt động thanh toán qua các ứng dụng của Alipay, Wechat Pay và các công ty tài chính phi NH (fintech) của Trung Quốc.
Do vậy thời gian tới cần phải đánh giá đầy đủ tác động của Thông tư 19  từ bối cảnh, điều kiện và hoàn cảnh thực tế trong giao thương hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, đến khả năng, thực lực và vị thế của các thương nhân Việt Nam, để  bảo vệ tối ưu quyền, lợi ích quốc gia, an toàn kinh tế và an ninh tiền tệ. 

Các tin khác