Tăng cường vai trò của Quốc hội trong quản trị quốc gia ​

(ĐTTCO) - Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, chính sách khi đã ban hành phải rất cân nhắc để không tạo ra bất bình đẳng, không tạo ra những khoản "tô" bất hợp lý cho nền kinh tế. Ở đây có vai trò của Quốc hội trong giám sát và quản trị rủi ro.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị tăng cường hoạt động giải trình ở các uỷ ban của Quốc hội.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị tăng cường hoạt động giải trình ở các uỷ ban của Quốc hội.

Ngày 27-9, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Đây là tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với sự tham dự của khoảng 80 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế…

Điều chỉnh các giải pháp phòng chống dịch

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Jacques Morisset nhận định, trước tác động mạnh mẽ của lần bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19, Việt Nam từ nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng cao của thế giới trong năm 2020, đã xuống nhóm có mức tăng trưởng trung bình.

Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 của Việt Nam là 4,8%, trong khi các quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có mức tăng trưởng GDP cao nhất là 7,6%, khu vực Nam Á có mức tăng là 7,3%, các quốc gia thu nhập trung bình trên thế giới cũng có mức tăng GDP trung bình khoảng 6,8%.

Tăng cường vai trò của Quốc hội trong quản trị quốc gia ảnh 1Ông Jacques Morisset, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu

Chỉ ra 5 yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo chỉ đạt mức trung bình, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra 4 đề xuất. Trong đó, “hạn chế đi lại thông minh hơn sẽ giúp cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế”. Theo chuyên gia này, cần đơn giản hóa và điều phối hợp lý các quy trình, “không thể đã bảo đảm kiểm soát được khu vực biên giới mà vẫn cần tới 5 tuần để xử lý các thủ tục hành chính trước khi phê duyệt cho nhập cảnh”.

Cùng quan điểm với nhiều ý kiến tại tọa đàm về những hệ lụy của một số chính sách trong quá trình chống dịch Covid-19 như thực hiện mô hình “zero Covid” quá dài, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: "Rất mừng là Thủ tướng đã khẳng định phương châm sống chung an toàn với Covid-19, nhưng hiện các địa phương vẫn thực hiện rất khác nhau”.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng bày tỏ lo lắng về những chính sách vô hình trung tạo ra những khoản “tô” (lợi ích) khổng lồ. Chẳng hạn, khi khoá cứng các chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh, chỉ cho siêu thị hoạt động thì khoản "tô" mà siêu thị nhận được sẽ rất lớn.

Bất hợp lý là ở chỗ những người yếu thế (người nghèo, người không có việc làm, nông dân và người buôn bán nhỏ lẻ…) lại phải chịu cảnh không tiêu thụ được sản phẩm làm ra và phải mua hàng hoá thiết yếu với giá cao.

“Tôi cho rằng, phân cấp, phân quyền là quan trọng, nhưng ở thời điểm này, phải cần mệnh lệnh từ Trung ương. Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được”, TS Nguyễn Sĩ Dũng bức xúc.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, chính sách khi đã ban hành phải rất cân nhắc để không tạo ra bất bình đẳng, không tạo ra những khoản "tô" bất hợp lý cho nền kinh tế. Ở đây có vai trò của Quốc hội trong giám sát và quản trị rủi ro. Và để đảm bảo tính kịp thời khi mỗi năm Quốc hội chỉ họp có hai lần, TS Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị tăng cường hoạt động giải trình ở các uỷ ban của Quốc hội.

TS Nguyễn Sĩ Dũng phát biểu: “Rất nhiều chính sách được ban hành, nhưng chưa thể giải trình với công chúng thì hãy giải trình minh bạch với Quốc hội. Đây là điều hết sức quan trọng để chúng ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”.

Cần thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp

Đây là khuyến nghị được đưa ra bởi TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia.

TS Cấn Văn Lực cho biết, nhằm đối phó với những tác động của đại dịch Covid-19, trong năm 2020, Việt Nam đã sớm đưa ra 4 gói hỗ trợ, tổng giá trị công bố khoảng 1,1 triệu tỷ đồng; tuy nhiên tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020, rất nhỏ so với thế giới.

Hơn nữa, việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa mới đạt khoảng 46% giá trị và gói an sinh xã hội mới đạt khoảng 63% là rất chậm, ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong các chính sách hỗ trợ tài khóa của năm 2021, TS Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài gói hỗ trợ 21.300 tỷ đồng đã được UBTVQH thông qua, cần gia hạn một số chính sách hỗ trợ hiện tại ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 2-2021), đồng thời xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỷ đồng.

Cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng, chưa kể phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68…

Các tin khác