Bản đồ Covid-19 đang chuyển màu
Thời gian qua, nhiều địa phương, nhất là TPHCM và 2 vùng kinh tế năng động nhất cả nước là miền Đông và Tây Nam bộ đã “thấm đòn”, khi trải qua 2-3 tháng chấp nhận đánh đổi, hy sinh kinh tế, sinh kế và sinh hoạt bình thường của người dân, để thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi rộng lớn với 19 tỉnh, thành, 36 triệu dân.
Nền kinh tế bị tổn thương, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy và bị kẹt ở 2 đầu cung - cầu với 2 trạng thái đối nghịch. Hàng triệu tấn hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch không tiêu thụ được giá xuống thấp, trong khi ở khu vực cầu các doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất đang thiếu nguyên liệu đầu vào hoặc khó tiêu thụ hàng sản xuất ra.
Ở nơi cầu, người dân khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu, giá tăng cao. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, nghẽn mạch lưu thông còn có phần do sự thiếu phối hợp, thừa chồng chéo xảy ra giữa các nơi, khi thực hiện các biện pháp hành chính, kiểm soát dịch bệnh. Tình trạng một số địa phương tự đặt ra các quy định không giống ai thành các loại giấy phép con, đã làm khó người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều chuyển biến, số ca nhiễm và số tử vong giảm, số người được chữa khỏi tăng. Bản đồ Covid-19 đang chuyển màu tích cực hơn. Thực tiễn cho thấy, không thể kéo dài tình trạng phong tỏa, giãn cách trên phạm vi rộng lớn bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc thái quá khi tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tốt hơn.
Nhiều địa phương phía Nam, ngay tâm dịch như TPHCM đã lên kế hoạch và tiến hành mở cửa các chợ đầu mối, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mở lại các tuyến du lịch. Nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ đã chuyển trạng thái từ nới lỏng giãn cách xã hội đến dỡ bỏ các biện pháp cách ly, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ trên phạm vi nhỏ nhất để xã hội sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Thận trọng, an toàn khi quyết định mở cửa là yêu cầu hàng đầu, nhưng đã đến lúc không thể nói mở hay không mở cửa nữa, mà phải nói không thể không mở cửa và tập trung cho các giải pháp khả thi nhất, thực tiễn các kịch bản.
Đó không chỉ là hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, mà đã thể hiện bằng quyết tâm của lãnh đạo nhiều địa phương và người dân để hiện thực hóa tư duy “sống chung với dịch”. Thực tiễn đang đòi hỏi phải chuyển từ chống dịch bị động sang chủ động hơn bằng cách mở cửa khôi phục và phát triển sản xuất.
Kịch bản mở cửa an toàn
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21-9-2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ thị 26 đã chỉ ra tình trạng các địa phương áp dụng phong tỏa tùy tiện, không xác định rõ mục tiêu, lộ trình và giải pháp khả thi để tập trung xử lý làm chuyển biến tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu rõ lĩnh vực trọng tâm, những giải pháp cần tập trung xét trên bình diện chung cả nước. Các địa phương cần xây dựng và triển khai các kịch bản cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn. Đây là cơ sở quan trọng để các tỉnh, thành mở cửa an toàn và hiệu quả.
Các cấp lãnh đạo cần tránh tâm lý sợ trách nhiệm càng tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Cần chuẩn bị các kịch bản theo từng cấp độ khác nhau của tình hình diễn biến dịch bệnh, cũng như cường độ hoạt động kinh tế sẽ diễn ra khi quyết định mở cửa sang trạng thái bình thường mới.
Ưu tiên hàng đầu là khơi thông dòng chảy chuỗi cung ứng, sự vận hành của hệ thống logistics đảm bảo mạch máu nền kinh tế, không chỉ là hàng tiêu dùng thiết yếu mà phải là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đầu ra cho tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp.
Sự tổn thương của các ngành kinh tế, dịch vụ là khó tránh khỏi, cần những liệu pháp hồi phục bằng các chính sách hỗ trợ thiết thực. Các giải pháp ứng phó tình thế là cần thiết, nhưng giải bài toán cung - cầu, xây dựng các chuỗi ngành hàng bền vững là vấn đề lâu dài.
Tiếp cận với yêu cầu đó, các kịch bản mở cửa, bên cạnh các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, cần tập trung vào 3 trụ cột. Một là, kiên trì với tư duy thị trường thay cho các biện pháp hành chính cứng nhắc, cần tiếp cận hệ thống, không thể mỗi nơi làm theo một kiểu. Tăng cường liên kết vùng, liên vùng không phải là khẩu hiệu mà phải là mệnh lệnh. Hai là, đầu tư hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Đối với các mặt hàng nông sản cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp. Yêu cầu tăng hàm lượng chất xám, quản lý tốt vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nâng cao giá trị. Ba là, chuyển đổi các phương thức mua bán, trao đổi hàng hóa từ trực tiếp là chủ yếu sang phát huy thế mạnh của thương mại điện tử.
Muốn vậy, phải hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành, hệ thống đường truyền tải và các ứng dụng trực tuyến, kết hợp với việc số hóa, kinh tế chia sẻ.
Cuộc chiến chống giặc Covid-19 là mặt trận toàn diện và hệ thống liên hoàn, đòi hỏi sức mạnh tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành. Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… Đó là cách thức để các hoạt động kinh tế nhanh chóng phục hồi và đời sống người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Thực tiễn đang đòi hỏi phải chuyển từ chống dịch bị động sang chủ động hơn bằng cách mở cửa khôi phục và phát triển sản xuất. |