Không thể kéo dài giãn cách
Khảo sát từ giữa tháng 8 của Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam, cho thấy 20% đã chuyển một phần đơn hàng ra khỏi Việt Nam, 14% đang dự định làm vậy. Hiệp hội Thương mại châu Âu (Eurocham) cũng cho biết đã có 18% doanh nghiệp đã chuyển một số đơn hàng tại Việt Nam sang các thị trường khác.
Những con số này không bất ngờ nếu chúng ta xem xét chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM: trong tháng 8 giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, TPHCM còn là nơi mà kinh tế về đêm, kinh tế phi chính thức hay kinh tế vỉa hè đóng vai trò rất quan trọng trong sự sôi động của thành phố. Nay nền kinh tế đó đang “thở oxy” với việc giãn cách xã hội chặt chẽ dài ngày. Và trong các kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, vẫn không biết làm sao mà những người dân đó sẽ hoạt động kinh doanh trở lại được.
Gần đây, Chủ tịch các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài gồm AmCham, EuroCham, KoCham và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đều nhấn mạnh: “Chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam”. Về phía lãnh đạo TPHCM cũng nhấn mạnh: “Không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt”. Những điều đó cho thấy lãnh đạo TPHCM cũng đã hiểu và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp.
Nỗi sợ “mở ra vài ngày rồi đóng lại”
Tuy nhiên, từ đó đến chuyện cho phép sản xuất trở lại, và rộng hơn là cho nền kinh tế từng bước trở lại bình thường mới vẫn còn một khoảng cách xa. Có 3 trở ngại có thể nhìn thấy.
Thứ nhất, tư duy "mở - đóng" nền kinh tế vẫn đang lẩn khuất đâu đó trong các phát biểu về “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, cũng như những cách nghĩ “vùng xanh mới sản xuất”, hoặc “phải tiêm 2 mũi vaccine mới có thể sản xuất bình thường mới”. Và với tình trạng thiếu vaccine, sự lo sợ các ca bệnh tăng, cũng như tư duy “phải an toàn”, xem ra chúng ta rất dễ đi vào trạng thái mở ra rồi số ca tăng lên sẽ đóng lại.
Những vùng xanh có thể chuyển sang vùng đỏ trong thời gian rất ngắn. Đây là kinh nghiệm không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam thời gian qua cũng đã cho thấy rõ. Khi nào còn những suy nghĩ này, rủi ro chủ trương mở cho hoạt động kinh tế vài ngày rồi lại “quay xe 180 độ” đóng lại là không nhỏ.
Để tránh tình trạng này, cần phải có kế hoạch dài hạn để phần lớn doanh nghiệp có người lao động đã được tiêm 1 mũi vaccine có thể vận hành bình thường. Ai nhiễm bệnh thì ở nhà, phần còn lại không dương tính thì vẫn phải được xem như người khỏe mạnh mà tiếp tục được sản xuất.
Thứ hai, vấn đề kết nối chuỗi cung ứng. Mặc dù một số thành phố trọng điểm như Hà Nội và TPHCM đã có tỷ lệ tiêm vaccine khá cao, nhiều tỉnh thành khác vẫn chưa được như vậy. Nếu những nơi này vì lý do tỷ lệ phủ vaccine thấp mà tiếp tục trạng thái đóng cửa các vùng nguyên liệu và chặn các mắt xích vận chuyển, thì hoạt động khôi phục sản xuất ở các trung tâm sản xuất sẽ vẫn còn nhiều khó khăn.
Điều này chỉ có thể được khắc phục nếu các tỉnh thành cùng ngồi lại với nhau để thống nhất một phương án chống dịch và khôi phục sản xuất theo vùng, bao gồm các tỉnh thành có kết nối chặt chẽ với nhau trong chuỗi cung ứng. Nếu không, chuỗi cung ứng đứt gãy thì chuỗi sản xuất cũng đứt gãy theo.
Thứ ba, vấn đề cung ứng lao động. Kinh nghiệm của các nước mở cửa kinh tế trước từ nhiều tháng nay trên thế giới cho thấy đây là vấn đề nan giải. Và thực tiễn ở Việt Nam đang cho thấy đây cũng sẽ là trở ngại lớn cho việc mở cửa trở lại hoạt động sản xuất.
Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay cả ở những nhà máy vẫn có thể thực hiện sản xuất cũng chỉ huy động được 10-50% số lượng công nhân, mà chủ yếu chỉ huy động được khoảng 20-30% công nhân. Như vậy rất khó để doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất và khôi phục được công suất.
Đừng bỏ rơi ngành dịch vụ
Đây chỉ mới nói tới vấn đề của lĩnh vực sản xuất. Ngành dịch vụ cũng đóng góp quan trọng vào kinh tế thành phố và nền kinh tế phi chính thức cũng vậy. Cho đến nay lộ trình mở cửa các hoạt động này còn ít rõ ràng hơn với sản xuất.
Đối với nhiều nước, họ thường khôi phục sản xuất cùng với khôi phục hoạt động dịch vụ ít tiếp xúc, sử dụng công nghệ online và dựa vào hệ thống shipper, rồi mới từng bước mở lại các hoạt động kinh tế có nhiều tiếp xúc giữa nhân viên với khách hàng như các nhà hàng ăn tại chỗ, vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, song song đó, họ cũng chi ra một khoản tiền lớn để hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn do phải đóng cửa không hoạt động vì quy định chống dịch, dưới dạng các khoản cho vay lãi suất rất thấp hoặc là các khoản tài trợ. Đây là tiền ngân sách rót trực tiếp cho các ngân hàng, và điều kiện tiếp cận các khoản vay này là vô cùng đơn giản, vì đây là tiền Nhà nước rót cho ngân hàng giải ngân giúp qua mạng lưới ngân hàng.
Nhờ những giải pháp như vậy, nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động có được “tiếp oxy” trong suốt 18 tháng thực hiện nhiều lần giãn cách ở Anh. Điều này trong điều kiện Việt Nam là không hề dễ dàng.
Câu chuyện gần đây nhất là TPHCM xin hỗ trợ 28.000 tỷ đồng và hơn 142.000 tấn gạo để hỗ trợ hơn 4,7 triệu người đang lâm vào cảnh khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài, nhưng kết quả là gần đây ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết “thành phố đề nghị hỗ trợ 28.000 tỷ đồng thì xem xét tới lui mới cho được 2.000 tỷ đồng”.
Với nguồn lực phân bổ như vậy, với tư duy “mở - đóng”, sợ trách nhiệm, buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm nếu ca bệnh tăng, thì tiến trình mở cửa kinh tế sẽ rất khó khăn.
Trong đó, nỗi sợ “mở ra vài ngày rồi đóng lại” là vấn đề đáng lo hàng đầu. Nó không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn gây tổn thất niềm tin của doanh nghiệp và người lao động.
Nhiều doanh nghiệp không cần giải cứu, họ chỉ cần được sản xuất, và không bị “đánh úp” bởi những chính sách “đóng - mở” khó đoán.
Nhiều doanh nghiệp không cần giải cứu, họ chỉ cần được sản xuất, và không bị “đánh úp” bởi những chính sách “đóng - mở” khó đoán.
Việc cho phép sản xuất trở lại, và rộng hơn là cho nền kinh tế từng bước trở lại bình thường mới vẫn còn một khoảng cách xa. Tư duy "mở - đóng" nền kinh tế vẫn đang lẩn khuất đâu đó trong các phát biểu về “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”… |