Cụ thể, giá xăng RON95-III tăng 493 đồng mỗi lít, lên 23.818 đồng/lít; xăng E5 RON92 tăng 385 đồng, giá mới lên 22.806 đồng mỗi lít. Ngoài ra, giá dầu diesel tăng 247 đồng, lên 20.502 đồng/lít; dầu hoả tăng 241 đồng/lít, giá mới là 20.715 đồng/lít và dầu mazut tăng 724 đồng, lên 15.279 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh này, nhà điều hành quyết định trích lập Quỹ bình ổn với xăng là 300 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa là 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 0 đồng/lít. Ở chiều ngược lại, dừng chi quỹ với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã có 4 lần tăng, 2 lần giảm và một lần giữ nguyên, mức tăng so với đầu năm 2023 là 1.948 đồng.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu thế giới 12 ngày qua tăng 2,3 – 6,8% tùy loại. Chẳng hạn, mỗi thùng xăng RON 92 (dùng để pha chế E5 RON 92) lên 96,36 USD. Xăng RON 95 vượt 100 USD một thùng, lên 100,25 USD, tức đắt gần 2,4% so với ngày 1/3. Trong khi đó, mỗi thùng dầu diesel tăng gần 1,8%, lên 104,33 USD. Mức tăng cao nhất là dầu mazut, hơn 6,8%, lên 453,49 USD.
Diễn biến giá xăng dầu tăng khiến cho doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục kêu về mức chiết khấu thay đổi chóng mặt. Trong kỳ điều hành ngày 1-3, khi giá xăng giảm nhẹ, các doanh nghiệp bán lẻ nhận được mức chiết khấu tăng mạnh, thì sau đó mức chiết khấu liên tục giảm mạnh.
Nhiều đại lý xăng dầu than thở về việc chiết khấu thấp chỉ vài trăm đồng, thậm chí là ở mức 0 đồng khiến cho doanh nghiệp không muốn nhập hàng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, diễn biến chiết khấu như trên là do kỳ điều hành trước ngày 13-3 kéo dài thêm hai ngày vì trùng vào lịch nghỉ cuối tuần, cũng như xu hướng giá xăng dầu có thể tăng nhẹ, nên các thương nhân đầu mối hạn chế việc cung hàng ra thị trường bằng việc siết chiết khấu.