Gần đây, các NH có động thái khuyến mại để hút tiền gửi trở lại khi tín dụng tăng mạnh, liệu nguồn huy động này có đi vào sản xuất kinh doanh hỗ trợ nền kinh tế phục hồi?
Ảnh minh họa.
Nhà băng tăng lãi suất hút vốn
Còn nhớ trong tháng 10, tăng trưởng tín dụng đã có diễn biến tích cực hơn các tháng trước đó, đến ngày 29-10, tăng trưởng tín dụng đạt đến 8,72% so với cuối năm 2020, cao hơn so với mức tăng 6,5% ở cùng kỳ năm ngoái. Riêng 3 tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3%, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng được đẩy thêm ra thị trường.
Tuy nhiên, tình hình huy động vốn lại không khả quan như tín dụng. Con số thống kê của NHNN công bố hàng tháng cho thấy, từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi từ khu vực dân cư của các NHTM đã ở mức thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, chỉ tăng 2,92% trong 9 tháng đầu năm.
Tiền gửi của khu vực tổ chức kinh tế tăng nhanh (đạt mức 7,8%) nhưng nguồn này lại không ổn định, doanh nghiệp có thể rút ra bất cứ lúc nào để phục vụ sản xuất kinh doanh nếu có cơ hội tốt.
Nhưng bước sang tháng 11, cầu tín dụng bất ngờ hồi phục nhanh trở lại khiến các NHTM không thể “làm ngơ” với việc huy động dòng tiền nhàn rỗi như những tháng đầu năm. Các NH cũng đã rục rịch “tung chiêu” hút tiền gửi, qua việc điều chỉnh tăng biểu lãi suất với nhiều hình thức.
Hồi cuối tháng 10, lãi suất tiết kiệm tiền gửi tại quầy của Sacombank đã tăng thêm 0,6% đối với kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng và tăng 0,4% với các kỳ hạn 18 tháng, 36 tháng.
MB cũng đã tăng thêm 0,05% ở kỳ hạn 6 tháng lên 4,3%/năm. Một số nhà băng lại điều chỉnh lãi suất ở hình thức tiền gửi trực tuyến (online). Như ABBank cộng thêm 0,4% lãi suất gửi online so với gửi tại quầy, gửi tiết kiệm trên VPBank NEO được ưu đãi nhân đôi lãi suất tháng đầu tiên, SHB áp dụng lãi suất online cao hơn gửi tại quầy từ 0,7-1,15%. Từ tháng 11-2021, Vietcapital Bank đã tăng nhẹ khoảng 0,2-0,3% lãi suất tiền gửi online so với đầu năm.
Đáng chú ý, một số NH quy mô lớn có xu hướng muốn rút ngắn tốc độ hút tiền gửi bằng cách áp dụng lãi suất cao cho số tiền gửi lớn. Như tại Techcombank, các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn áp dụng mức lãi suất 7,1%/năm.
Trong khi gửi cùng kỳ hạn như vậy với số tiền thấp hơn 999 tỷ đồng, người gửi chỉ nhận được lãi suất cao nhất là 4,9%/năm.
Dòng vốn sẽ chảy về đâu?
Một điều dễ thấy là năm nay kênh tiền gửi không còn hấp dẫn, vì lãi suất huy động xuống rất thấp. Thay vào đó, các kênh chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, sôi động.
Nhưng ở 3 quý đầu năm, các NH có vẻ không quan tâm nhiều đến diễn biến này do tăng trưởng tín dụng quá thấp, hút vốn vào nhiều nhưng không cho vay ra được chỉ làm tăng thêm gánh nặng chi phí lãi. Thậm chí, nhiều nhà băng đã giảm lãi suất huy động khá sâu.
Thế nhưng có điều nghịch lý, dù không có đầu ra nhưng 9 tháng năm 2021 tỷ lệ giữa tăng trưởng tín dụng và GDP (tín dụng/GDP) bằng 5 lần, tức là 5 điểm tăng tín dụng mới đạt được 1 điểm tăng GDP. Mức này tương đương thời điểm 2007-2010.
Trước đó giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ tín dụng/GDP đã giảm còn dưới 3 lần. So sánh như vậy để thấy rằng có thể vốn đi vào nền kinh tế kém hiệu quả hơn và có dấu hiệu dòng tiền đang ngấm ngầm chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản.
Còn nhớ năm ngoái, những tháng đầu năm, tốc độ tăng tín dụng rất chậm chạp, chỉ đạt 6,09% vào cuối quý III. Tuy nhiên, đến ngày 21-12-2020, tín dụng tăng 10,14% và trong 10 ngày tiếp theo sau đó bứt tốc lên mức 12,13%.
Diễn biến tăng này lại gắn trong bối cảnh hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán, bất động sản sôi nổi trong khi khu vực sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn, và đẩy tỷ lệ tín dụng/GDP từ mức trung bình 2,5 lần ở 4 năm liền trước lên mức 4,1 lần.
Năm nay cũng tương tự như vậy. Việc NH tăng lãi suất đầu vào dẫn đến lo lắng đầu ra chắc chắn cũng sẽ tăng lên theo quy luật thị trường, như vậy sẽ làm khó doanh nghiệp.
Thực tế, khả năng tiếp cận vốn của khu vực sản xuất hiện nay có hạn, bởi doanh nghiệp không còn nhiều tài sản để thế chấp, không chịu được lãi suất quá cao và rất trông chờ vào chính sách hỗ trợ mới từ Chính phủ.
Còn một phần khác có sức khỏe tốt hơn cũng đang chủ động tìm vốn từ các kênh khác, chẳng hạn như phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán, bất động sản lại càng sôi động hơn so với năm ngoái, điều này cho thấy vốn NH có thể chảy vào các kênh này qua nhiều cách như vay mua chứng khoán, vay mua bất động sản hay núp bóng dưới vay tiêu dùng…
Vài năm gần đây, các NH cũng thường “khoe” tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng vốn huy động (CASA) tăng cao và hình thành một cuộc đua hút CASA. Bản chất của tiền gửi này tuy lãi suất rất thấp nhưng lại không ổn định, người gửi có thể rút ra bất kỳ lúc nào để chi tiêu hoặc đầu tư vào các kênh khác.
Cho nên huy động vốn có kỳ hạn vẫn là áp lực hiện hữu và ngày càng gia tăng ở những thời điểm cầu tín dụng tăng cao.
Cách để lôi kéo dòng tiền nhàn rỗi trở lại là điều chỉnh lãi suất. Trở lại với diễn biến đã phân tích, NH tăng cường hút vốn trở lại cũng gây lo lắng dòng vốn tín dụng có chảy vào sản xuất kinh doanh như NHNN định hướng, hay lại sẽ chảy mạnh vào các kênh đầu tư rủi ro nhưng có thể mang lại lợi nhuận cao cho nhà băng.
Thực tế lâu nay, cùng với những con số đẹp về tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro, NHNN cũng kèm theo lưu ý các NH phải kiểm soát chặt vốn vào các kênh này. Nhưng nếu muốn kiểm soát, có lẽ cần những quy định cụ thể hơn từ cơ quan quản lý ngành NH, thay vì chỉ nhắc nhở để nắn dòng tín dụng chảy đúng hướng.