Tăng lương ít, tăng phí nhiều
Theo các hiệp hội này, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7 sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Hiện nay tình trạng người lao động là F0 tiếp tục xảy ra, DN vẫn đang phải gồng mình đối phó với tình hình đó và kéo theo là tình trạng hậu Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.
Các DN không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, do tất cả phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước. Các DN đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022.
Đồng thời, hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hóa... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hóa được. Tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy DN vào tình huống vô cùng khó khăn…
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thái Vân, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH may mặc thời trang T.Đ, cho biết công ty vẫn đóng đủ phí bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)… cho công nhân. Nhà máy có gần 100 công nhân, nếu tăng thêm 6% lương tối thiểu như dự kiến thì công ty sẽ đóng thêm khoảng 6 - 7 triệu đồng mỗi tháng.
“Dăm bảy triệu đồng đóng thêm tiền bảo hiểm không lớn, nhưng hiện tại mọi chi phí của DN đều tăng quá mạnh. Chẳng hạn, tiền vải nay tăng 10.000 - 20.000 đồng/m, rồi tiền xăng dầu… Tích tiểu thành đại, mỗi thứ một ít, chi phí hằng tháng cho một DN nhỏ xíu đã thêm hàng trăm triệu”, bà Vân nói.
Đại diện một DN da giày cũng cho rằng với số lượng công nhân hơn 10.000 người, khi lương tối thiểu tăng đối với vùng 1 là 260.000 đồng/tháng thì công ty sẽ tăng thêm quỹ lương tối thiểu 2,6 tỉ đồng. Đó là chưa kể nhiều công nhân có thâm niên và sẽ tính theo hệ số thì mức tăng này phải cao hơn. Rồi hàng loạt chi phí luôn tính theo lương tối thiểu gồm các loại phí BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, thưởng tết, tiền tăng ca… nên thực tế chi phí DN phải tăng sẽ lớn, khiến DN rất đau đầu tính toán.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng thời điểm tăng từ ngày 1.7 là không thuận lợi vì nhiều DN đang đối diện với nhiều chi phí gia tăng từ đầu năm đến nay. Trong khi đó đơn hàng xuất khẩu khó tăng vì cạnh tranh giữa nhiều nước xuất khẩu khá gay gắt và thị trường thế giới cũng còn sụt giảm.
Theo ông Hồng, việc tăng lương tối thiểu chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các quỹ theo nhà nước quy định mà không phải gia tăng thu nhập cho người lao động. Bởi thực tế, mức lương bình quân của ngành dệt may khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với lương tối thiểu thì mới có thể tuyển dụng và giữ chân được công nhân. Nếu vẫn quy định tăng lương tối thiểu thì nhiều DN để không bị thua lỗ sẽ phải cắt giảm nhiều chi phí khác, nhất là các khoản đang hỗ trợ trực tiếp cho người lao động…
Giữ chân người lao động
Ngược lại, nhiều DN đã tăng vẫn sẵn sàng tăng thêm để bảo đảm mức sống cho người lao động.
Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh, cho hay công ty đang có 2.000 lao động và bình quân mỗi tháng đóng các loại phí bảo hiểm khoảng 1,6 tỉ đồng. Nếu lương tối thiểu tăng 6% thì công ty sẽ chi thêm khoảng 100 triệu đồng nữa và mức này vẫn chấp nhận được.
Từ cuối năm 2021 đến nay công ty đã tăng lương bình quân thêm 10%, lên mức 10 triệu đồng/người/tháng thì mới tuyển được thêm gần 500 lao động để phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Với nhiều chi phí gia tăng thì ngay từ đầu năm, Công ty Viễn Thịnh cũng đã tăng đơn giá xuất khẩu thêm 10% và được khách hàng chấp thuận.
“Tất cả chi phí liên quan đến sản xuất, bao gồm cả lương phụ cấp cho công nhân cũng phải tăng để đảm bảo nguồn lao động ổn định thì khách hàng nước ngoài cũng biết nên chấp nhận. Đơn hàng vào VN vẫn cao nên cũng thuận lợi để chúng tôi đàm phán về giá cả ngay từ đầu năm. Bản thân DN cũng phải điều chỉnh tăng thu nhập hằng năm thì mới giữ được công nhân”, ông Trần Thế Linh chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Cafatex, cũng cho biết đầu năm nay công ty mới tăng lương bình quân lên 10 triệu đồng/người, tăng hơn 20% so với trước. Đây là mặt bằng chung hiện nay của nhiều DN nếu muốn tuyển dụng được lao động.
Nếu theo giá hàng hóa trên thị trường đã tăng cao thì mức tăng lương tối thiểu vùng 6% tính ra là còn thấp. Bởi mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/người/tháng thì khó đảm bảo được cuộc sống và thông thường các DN đều trả cao hơn gấp hai, gấp ba lương tối thiểu.
“Nhưng nhiều DN cũng gặp khó khăn vì không phải ngành hàng nào cũng có thể tăng giá bán ra nên việc tăng lương sẽ tùy thuộc vào DN tính toán phù hợp với mình”, ông Kịch chia sẻ. Còn ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Đồng Nai), cho biết từ đầu năm đến nay, công ty đã tuyển dụng mới được khoảng 2.000 công nhân và có nhu cầu tuyển thêm 4.000 người nữa trong năm nay.
Để có thể thu hút được lao động thì ngoài mức lương tối thiểu, công ty đã đề ra nhiều chính sách khen thưởng, động viên người lao động trong DN giới thiệu thêm người mới…, đưa thu nhập bình quân lên 9,9 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 10% so với đầu năm trước.
Bắt buộc phải thực hiện
GS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN, cho rằng tăng lương tối thiểu là lộ trình Chính phủ đặt ra từ lâu. Nếu không có dịch bệnh xảy ra, thời hạn tăng lương phải diễn ra từ năm trước. Nên nói một cách nào đó, tăng lương tối thiểu tại thời điểm này cho người lao động là bắt buộc phải thực hiện.
Vẫn cần phải xem xét mức lương cơ bản tăng có bù được lạm phát, hay phù hợp với tăng trưởng kinh tế không? Bởi trong quá khứ, khi bóng ma lạm phát chưa xuất hiện, hầu như năm nào cũng có tăng lương, có giai đoạn tăng đến 13%, mấy năm gần đây giảm dần, chỉ từ 5,5 - 7%/năm nhưng vẫn tăng.
GS-TS Nguyễn Mạnh Quân phân tích: Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu chưa kịp khôi phục lại bị khủng hoảng tiếp. Mỹ hiện lạm phát rất lớn. Nếu thị trường mở rộng, VN có cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng doanh thu có thể xảy ra.
Theo đó, cơ hội việc làm cho người lao động trong ngành sản xuất xuất khẩu tăng. Thế nên, chính sách tăng lương vào thời điểm này của VN tạo tâm lý yên tâm, ổn định cho người lao động rất lớn.
“Yếu tố tâm lý của người lao động có tác động rất lớn hiệu quả công việc họ làm tại DN. Tăng thêm 260.000 đồng/tháng có thể không lớn trong bối cảnh bình thường nhưng rất có ý nghĩa trong lúc này, khi kinh tế toàn cầu đang có nhiều khó khăn”, GS-TS Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nguy cơ xuất hiện tâm lý trục lợi từ việc tăng lương tối thiểu. Chẳng hạn, chủ nhà trọ, chủ quán cơm… những người kinh doanh tự do, sẽ đơn phương tăng giá nhà trọ, tăng giá bán thực phẩm với lập luận là lương của công nhân đã tăng. Do đó, Chính phủ phải kiểm soát được đà tăng giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát.
Nhiều cán bộ công đoàn và người lao động rất buồn và tâm tư khi nghe thông tin 8 hiệp hội kiến nghị lùi tăng lương qua đầu năm 2023. Họ cho rằng, 2 năm dịch bệnh, họ đã chia sẻ với DN rất nhiều, từ ở lại làm việc “3 tại chỗ”, đến đồng ý tăng giờ làm thêm. Nay người lao động vẫn đang khó khăn, đối mặt với giá cả leo thang, một bộ phận khó khăn gay gắt. Việc tăng lương không chỉ giúp họ giảm bớt khó khăn, mà quan trọng hơn là tạo động lực để họ làm việc với năng suất cao hơn, kết quả tốt hơn. Ông Ngọ Duy Hiểu (Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN) Suốt 2 năm qua, lương tối thiểu đã không được điều chỉnh, do tác động của đại dịch Covid-19 khiến DN gặp nhiều khó khăn. Dù không theo thông lệ như các năm trước nhưng thời điểm tăng lương từ 1.7 cũng không trái với quy định chung. Trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiểm soát, việc áp dụng lương tối thiểu mới trong khoảng thời gian kéo dài tới 18 tháng được hội đồng tính toán nhằm tạo sự ổn định cho người lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động. Ông Lê Văn Thanh (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia) |