Tăng lương phải cải thiện năng suất

(ĐTTCO) - Ngày 13-9, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam công bố báo cáo nghiên cứu: “Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động (NSLĐ) ở Việt Nam”. 
Theo báo cáo, trong hơn thập niên gần đây, lương tối thiểu (LTT) tăng liên tục với tốc độ khá nhanh, dù NSLĐ của Việt Nam thấp so với các nước láng giềng, đã làm gia tăng mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
LTT tăng nhanh hơn NSLĐ
 Điều chỉnh mức LTT phải phù hợp với tăng trưởng NSLĐ. LTT đã tăng lên ở mức cao trong thập niên qua có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và quan trọng hơn làm suy giảm khả năng cạnh tranh của DN nếu cứ tiếp tục tăng nhanh hơn NSLĐ.
TS. Nguyễn Đức Thành,
Viện trưởng VEPR
Việt Nam đã chứng kiến mức tăng LTT tương đối nhanh trong những năm qua. LTT tăng ở mức trung bình hàng năm đạt 2 con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng LTT cao hơn tốc độ tăng NSLĐ, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015.
Xu hướng này không giống Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng LTT và NSLĐ ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia trên. Năm 2017, chi phí tối thiểu các DN trong nước phải gánh chịu, được tính bằng tổng LTT và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia.

Về mối quan hệ giữa lương trung bình và NSLĐ trong giai đoạn 2004-2015, NSLĐ của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng NSLĐ. Theo số liệu điều tra DN, trong giai đoạn 2004-2009, lương trung bình tăng chậm hơn NSLĐ.
Nhưng từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng NSLĐ. “Mức chênh lệch giữa tăng trưởng NSLĐ với LTT và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ phá vỡ cân bằng nền kinh tế, đặc biệt cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế” - TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhận xét.
Tăng lương phải cải thiện năng suất ảnh 1 Điều chỉnh mức LTT phải phù hợp với tăng trưởng NSLĐ.  
Tăng LTT làm giảm việc làm
Theo nghiên cứu của VEPR, xét về tổng thể nền kinh tế, tăng LTT dẫn đến tăng lương trung bình, giảm việc làm và giảm lợi nhuận. LTT tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi LTT tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3%. Về mức lương trung bình, dù có tác động tiêu cực đáng kể đến tất cả khu vực kinh tế, việc tăng LTT có tác động ít hơn trong khu vực tư nhân so với khu vực nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Về việc làm, tác động của tăng LTT làm giảm việc làm nhiều hơn trong khu vực nhà nước (lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến việc làm giảm 0,25%), nhưng tác động nhẹ và không đáng kể ở khu vực tư nhân và FDI. Cần lưu ý trong khu vực tư nhân, các DN có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn (thể hiện qua việc đóng bảo hiểm xã hội) sẽ cắt giảm việc làm nhiều hơn.
Điều này cho thấy các DN chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động sẽ khó khăn hơn vì chính sách LTT, buộc phải cắt giảm nhân công. Trong khi đó, các DN chưa chấp hành nghiêm chỉnh, sẽ né tránh phần nào tác động của tăng LTT nên không cắt giảm nhân công. 

Về lợi nhuận, khu vực tư nhân chịu những tác động tiêu cực đáng kể từ tăng LTT. Cụ thể, khi LTT tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 3,25%. Điều này cho thấy chính sách điều chỉnh tiền LTT nhanh và liên tục, có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực DN tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, phân tích ở mức độ DN, với trọng tâm là DN tư nhân và FDI trong các ngành chế biến chế tạo, đã chỉ ra rằng tăng LTT làm giảm việc làm trong tất cả ngành công nghiệp. DN có quy mô lớn hơn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn) cắt giảm việc làm nhiều hơn. 

Về đầu tư máy móc, khi mức LTT tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như  điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc. Điều này cho thấy DN chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư vào máy móc (để thay thế lao động) trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh. Còn với một số ngành quan trọng khác, DN có thể không muốn mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và do đó mất đi lợi thế so sánh.

Theo VEPR, Việt Nam cần có cơ quan giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế. LTT là công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở NSLĐ. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng LTT sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. Vì thế, đã đến lúc cần lựa chọn thúc đẩy NSLĐ như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn. 

Các tin khác