1.Lý do chủ yếu để Tổng Liên đoàn Lao động kiến nghị tăng ngày nghỉ lễ là vì chúng ta vẫn có quá ít ngày nghỉ lễ so với các quốc gia trong khu vực. Thí dụ, Campuchia có 28 ngày nghỉ lễ, Trung Quốc có 21 ngày nghỉ lễ, Philippines có 19 ngày nghỉ lễ, còn Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan đều có 16 ngày nghỉ lễ… Nếu tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ, thì Việt Nam có số ngày nghỉ lễ 13 ngày, tương đương với Malaysia.
Vậy 3 ngày nghỉ lễ tăng thêm được phân bổ như thế nào trong năm? Có 2 phương án được Tổng Liên đoàn Lao động dự kiến. Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày, từ 2-9 đến 5-9. Phương án 2: Nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết Dương lịch.
Cách giải thích của những người khởi xướng tăng ngày nghỉ lễ cũng thấy có vẻ thuyết phục. Nào là “người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì nguồn nhân lực sẽ bị cạn kiệt; chắc gì đã làm việc được đến tuổi nghỉ hưu và khi đó gánh nặng xã hội sẽ rất lớn”.
Nào là “ở nước ta, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S, nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết”. Thế nhưng, người lao động sẽ sử dụng 3 ngày nghỉ tăng thêm như thế nào lại là câu chuyện khác, gợi nhiều suy tư hơn và cũng gợi nhiều âu lo hơn.
Gánh nặng thứ nhất mà các ngày nghỉ lễ đang phải đối mặt là tình trạng quá tải các phương tiện vận chuyển. Bến xe đông nghịt, sân ga chật ních, chuyến phà kẹt cứng. Trước và sau nghỉ lễ, thảm cảnh chen chúc chưa bao giờ giảm bớt mệt mỏi cho người có nhu cầu đi lại. Ùn tắc nghiêm trọng không chỉ xảy ra ở những cửa ngõ đô thị, mà còn biến những tuyến đường cao tốc trở thành… thấp tốc!
Gánh nặng thứ hai là hệ lụy phát sinh từ các điểm du lịch. Giới thượng lưu dùng ngày nghỉ lễ để đi du lịch nước ngoài, còn những người thu nhập thấp thì đau đầu với các kiểu chặt chém khắp nơi trong nước. Dịp nghỉ lễ không hề kích cầu tăng trưởng du lịch, mà chỉ tăng thêm áp lực cho hạ tầng du lịch vốn vừa thiếu vừa yếu hiện nay.
Gánh nặng thứ ba là… mất mát sinh mạng con người. Nghỉ lễ là cơ hội rảnh rỗi sinh nông nổi bia rượu nhậu nhẹt. Rồi từ tác động của me men, những vụ tai nạn do đụng xe, những vụ thương vong do ẩu đả… gây bất ổn an ninh trật tự xã hội và thiệt hại tài sản người dân. Cứ nhìn vào các bảng thống kế số người chết mỗi dịp nghỉ lễ, mà thấy ớn lạnh.
2.Khi chưa giải quyết được 3 yếu tố trên, tăng ngày nghỉ lễ là một điều phải đắn đo thật nghiêm túc. Hơn nữa, muốn so sánh ngày nghỉ lễ với bạn bè quốc tế, thì chúng ta phải so sánh năng suất lao động nữa. Nhiều chủ doanh nghiệp đã không ngớt lời ca thán khi nhắc đến nghỉ lễ. Nếu tính cả nghỉ phép và các ngày lễ thì người lao động được nghỉ khoảng 25-28 ngày mỗi năm. Theo các chuyên gia kinh tế, như vậy là quá nhiều trong bối cảnh năng suất lao động của người Việt ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.
3.Tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” tổ chức ngày 7-8-2019, do đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đại diện Tổng cục Thống kê đã đánh giá: Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.
2.Khi chưa giải quyết được 3 yếu tố trên, tăng ngày nghỉ lễ là một điều phải đắn đo thật nghiêm túc. Hơn nữa, muốn so sánh ngày nghỉ lễ với bạn bè quốc tế, thì chúng ta phải so sánh năng suất lao động nữa. Nhiều chủ doanh nghiệp đã không ngớt lời ca thán khi nhắc đến nghỉ lễ. Nếu tính cả nghỉ phép và các ngày lễ thì người lao động được nghỉ khoảng 25-28 ngày mỗi năm. Theo các chuyên gia kinh tế, như vậy là quá nhiều trong bối cảnh năng suất lao động của người Việt ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.
3.Tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” tổ chức ngày 7-8-2019, do đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đại diện Tổng cục Thống kê đã đánh giá: Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.
Tính theo PPP (sức mua tương đương) 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
Nghỉ lễ để thư giãn và vui chơi là điều ai cũng muốn. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh chung của cộng đồng thì từng cá nhân mới có được ngày nghỉ lễ thực sự bổ ích và ý nghĩa. Chính năng suất lao động thấp là điều mà người dân ái ngại mỗi khi đến ngày nghỉ lễ. Nghỉ lễ dĩ nhiên thu nhập của người lao động bị khấu trừ, nhưng quan trọng hơn là ứ đọng nhiều hoạt động khác.
Thí dụ, giải quyết các thủ tục hành chính luôn đi kèm điều kiện thời gian “trừ các ngày nghỉ lễ”. Một tờ giấy khai sinh hay một đơn xin phép xây dựng, hiện nay đã phải tốn rất nhiều ngày mới có thể giải quyết. Nếu thêm ngày nghỉ lễ, thì sự chờ đợi của người dân càng mỏi mòn hơn.
Tăng ngày nghỉ lễ, nếu vì người lao động thì hãy luật hóa để đưa vào thỏa ước lao động tập thể của mỗi đơn vị hoặc mỗi doanh nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động yêu cầu nơi sử dụng lao động có quy chế cụ thể về 13 ngày nghỉ lễ mỗi năm.
Ngoài 10 ngày nghỉ lễ được ấn định, người lao động và doanh nghiệp có thể thương lượng với nhau về 3 ngày nghỉ còn lại, sao cho phù hợp nhất đối với các tiêu chí: Người lao động vẫn được nghỉ ngơi, những ai tha hương cầu thực được tạo điều kiện để về quê sum họp với gia đình, đồng thời dây chuyền sản xuất không bị đình trệ đột ngột gây khó khăn cho kế hoạch của doanh nghiệp. Khi mỗi doanh nghiệp hoặc mỗi đơn vị có 3 ngày nghỉ lễ theo lịch trình riêng biệt, thì áp lực giao thông công cộng cũng như hạ tầng du lịch và các dịch vụ khác cũng được cải thiện.