Trong đó quy định các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trong năm 2018, thay vì mức 40% như quy định trước đây. Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, nhận định đây là điều kiện để các NH tiếp tục tăng tín dụng trung và dài hạn, nhưng so với thông lệ quốc tế tỷ lệ này khá cao.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông dự báo như thế nào về xu hướng kinh doanh của ngành NH Việt Nam trong năm 2018?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Năm 2017, nhiều NH có lợi nhuận cao vì tín dụng tăng trưởng tốt. Năm 2018, triển vọng lợi nhuận ngành NH vẫn tiếp tục khả quan vì triển vọng kinh tế rất tốt và các NH vẫn đẩy mạnh tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng.
Nhưng trong bối cảnh như vậy, giảm lãi suất không phải là vấn đề dễ dàng vì tín dụng năm 2018 cũng sẽ đạt mức tăng trưởng tương tự như năm 2017. Nhu cầu tín dụng cao sẽ kéo theo nhu cầu vốn huy động của các NH gia tăng để hỗ trợ tín dụng, từ đó tác động đến lãi suất.
Ảnh minh họa: PHẠM LONG
Tuy nhiên, vấn đề này cũng còn tùy thuộc vào tình hình tài chính và thanh khoản của các NH. Nếu thanh khoản của các NH dồi dào, huy động được vốn nhiều, lãi suất cũng có thể giữ được ở mức như năm ngoái. Về phân bổ tín dụng, các NH dĩ nhiên vẫn sẽ hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhưng những lĩnh vực khác vẫn sẽ hút rất nhiều vốn của NH.
Cụ thể, thị trường bất động sản trong năm 2017 tiếp tục xu hướng phát triển tốt từ 2016, lĩnh vực chứng khoán cũng là lĩnh vực khởi sắc và lĩnh vực tiêu dùng đang có nhiều tiềm năng. Do đó, mặc dù các NH vẫn rất quan tâm đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhưng các lĩnh vực này chiếm nhiều vốn của NH nên sản xuất kinh doanh sẽ bị hụt vốn.
- Theo Thông tư 19 vừa được NHNN ban hành, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn áp dụng cho năm 2018 mức 45% thay vì 40% như quy định tại Thông tư 36. Ông nhận định gì về tác động của sự điều chỉnh này đối với thị trường?
- Mức 5% trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là một con số khá lớn, bởi vì huy động của toàn hệ thống NH lên đến khoảng 6 triệu tỷ đồng. Do đó, Thông tư 19 quy định trong năm 2018 các NHTM được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn thay vì mức 40% như quy định tại Thông tư 36, sẽ giúp cho các NH có điều kiện để cung ứng được nhiều hơn vốn trung và dài hạn cho thị trường, trong đó có cả tín dụng cho vay bất động sản.
Hiện tại do nhu cầu vay vốn trung và dài hạn cao, nhưng nguồn vốn huy động trung và dài hạn không đáp ứng được nên bắt buộc NHNN phải điều chỉnh. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 45% cũng là mức rất cao, tạo ra rủi ro cho hệ thống NH. Nếu so với thông lệ quốc tế, tỷ lệ 45% rất cao.
Ở các nước phát triển, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các NH là 20%, trong tương lai nếu có thể kéo xuống mức lý tưởng này, hệ thống NH Việt Nam sẽ đảm bảo an toàn hoạt động của mình.
- Theo ông, các NHTM tại Việt Nam có thể tăng cường huy động vốn trung và dài hạn trong thời gian tới hay không?
- Tại Việt Nam, muốn tăng cường vốn huy động trung và dài hạn có nhiều giải pháp, nhưng vấn đề này lại liên quan đến lãi suất. Triển vọng lạm phát của Việt Nam cao, chính vì vậy lãi suất đẩy cao lên mới có thể hút vốn trung và dài hạn được.
Chẳng hạn để thu hút vốn trung và dài hạn, nhiều NHTM đã phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc trái phiếu với lãi suất cao hơn mặt bằng chung. Điều này có thể tốt cho vốn trung và dài hạn, nhưng như tôi đã nói điều này sẽ đẩy lãi suất lên, ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, tác động đến các doanh nghiệp, đây là khó khăn của thị trường Việt Nam. Hơn nữa, chủ trương của Chính phủ và NHNN là muốn ngành NH phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay.
- Hiện nay thời hạn hoàn thành Basel II của hệ thống NH ngày càng gần, liệu các NHTM có đạt được mục tiêu đúng lộ trình NHNN đề ra để nâng cao hiệu quả kinh doanh và hiệu quả quản trị?
- Hiện nay 10 NH được NHNN thí điểm áp dụng Basel II cũng đã ứng dụng chuẩn mực này, rồi nên mục tiêu áp dụng được Basel II đúng lộ trình mà NHNN đưa ra sẽ khả thi. Bên cạnh đó, OCB mới đây đã tuyên bố ứng dụng thành công Basel II. Do đó, tôi cho rằng mục tiêu đề ra sẽ thực hiện được.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các NHTM áp dụng được Basel II theo quy định của NHNN nhưng trong tương lai sẽ thực hiện như thế nào. Bởi vì những cơ chế, quy định và bộ máy đã sẵn sàng chạy, nhưng thực hiện mới là điều quan trọng nhất.
- Xin cảm ơn ông.