Theo Bộ Tài chính, các chính sách miễn giảm thuế nêu trên sẽ tạo điều kiện cho các DN mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Giải pháp này góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55% và đến năm 2030 khoảng 60-65%.
Thực tế, chính sách khoan sức DN thông qua việc giảm bớt nghĩa vụ thuế, tạo thêm nguồn lực cho DN tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đã được thực hiện từ năm 2011.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2014, Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi với quy định giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% và áp dụng thuế suất 20% đối với các DNNVV. Đến tháng 9-2017, Bộ Tài chính đề suất giảm tiếp xuống còn 15-17%. Sau đó, phát biểu tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS6, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) vào tháng 3-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định sẽ cắt giảm thuế thu nhập DN từ 20-22% xuống còn 15-17%.
Vấn đề đặt ra, vì sao những đề suất trên đã qua gần 2 năm vẫn dừng lại ở… đề suất. Muốn thúc đẩy khối DNNVV, DN siêu nhỏ phát triển, chính sách hỗ trợ thuế thu nhập DN cần có sự đột phá mạnh mẽ. Bởi ngoài yếu tố nhỏ, siêu nhỏ về tài chính, quy mô, các DN này còn thua thiệt rất nhiều so với DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở nhiều khía cạnh. Họ có tài sản ít, thậm chí không có, rất khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng. Nếu có tiếp cận được, lãi suất cũng cao hơn.
Đó là chưa kể, nếu so sánh mức thuế của các DNNVV, DN siêu nhỏ với các DN FDI, nhất là những tập đoàn đa quốc gia, cho thấy nhiều DN FDI sau những ưu đãi khủng, còn được hưởng mức thuế thu nhập DN 10% trong nhiều năm. Với mức giảm thuế thu nhập cho DNNVV, DN siêu nhỏ đề xuất còn 15-17%, “đội thuyền thúng” của chúng ta vẫn phải gánh mức thuế cao hơn các đại gia nước ngoài tại Việt Nam, làm sao họ có thể cạnh tranh để lớn?
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực, sân chơi bình đẳng cho tất cả DN trong và ngoài nước thi thố bản lĩnh kinh doanh. Hàng rào thuế xuất nhập khẩu bị xóa bỏ, chính phủ các nước đã và sẽ sử dụng thuế thu nhập DN như một công vụ đồng hành với DN để cạnh tranh trong sân chơi hội nhập.
DNNVV, siêu nhỏ Việt Nam tiềm lực yếu, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ việc giảm bớt gánh nặng thuế thu nhập, từ công cuộc cải cách thủ tục hành chính để tiết giảm tối đa chi phí đầu vào và có được sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý.
Việc hỗ trợ DNNVV luôn là vấn đề được Đảng, Chính phủ quan tâm. Chúng ta có rất nhiều chương trình riêng cho nhóm này, như ưu đãi lãi suất (trong một thời điểm, đối tượng nhất định); hỗ trợ tiếp cận tín dụng... nhưng các giải pháp này chưa thực hiệu quả và chưa bao quát hết những đối tượng.
Miễn, giảm thuế thu nhập DN là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất. Nhưng để phát huy tối đa tác dụng, ngưỡng thuế phải đủ để tạo sức bật cho các DNNVV, nhất là DN siêu nhỏ.
Như vậy chủ trương giảm thuế thu nhập đối với DN là tốt nhưng chưa đủ. Về lâu dài, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN. Cần xây dựng chính sách thuế minh bạch, tạo thuận lợi DN.
Đồng thời, việc hỗ trợ DNNVV cần được thực hiện xuyên suốt với nhiều biện pháp khác nhau. Đặc biệt, các DNNVV, siêu nhỏ đang trông chờ mức thuế thu nhập DN đột phá hơn, giúp họ không bị lỡ cơ hội đang mở ra trong năm 2019 này.