Đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực
Đang bắt đầu một làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh của DN Nhật Bản hướng vào Việt Nam. Thông tin từ Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại TPHCM (Jetro), ngay khi nhiều DN Nhật Bản bị đứt gãy chuỗi cung ứng vào quý 1-2020 do dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản đã khẩn cấp ban hành chính sách hỗ trợ DN Nhật Bản di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc, đồng thời thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất từ nhiều quốc gia.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã dành khoản chi phí lên đến 2,2 tỷ USD để hỗ trợ DN Nhật di dời. Việt Nam là điểm đến được DN Nhật ưu tiên lựa chọn đầu tư. Cũng theo Jetro, mới đây, Chính phủ Nhật đã công bố danh sách 30 DN Nhật Bản sẽ di dời đầu tư đến Việt Nam.
Phần lớn đều là tập đoàn, công ty quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo và thiết bị y tế. Các DN này cũng được xác định là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp Nhật Bản.
Một vấn đề khác, đó là ngành chế biến thực phẩm Việt Nam luôn gặp khó khăn do bị động nguồn nguyên liệu tinh từ các nước lân cận. Có đến 60% nguồn nguyên liệu tinh chế biến lương thực, Việt Nam phải nhập khẩu. Đây chính là thị trường tiềm năng mà DN Hàn Quốc đang hướng tới.
Kết quả khảo sát các DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, có 93% DN bày tỏ hài lòng khi đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, khi có thêm lợi thế từ EVFTA, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn với nhiều DN Hàn Quốc trong thời gian tới.
Thu hút FDI nhưng không thêm áp lực cho DN nội
Theo Tổng cục thống kê, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nước ta vẫn rất khả quan. Tính từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 15,7 tỷ USD.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng rõ nét. Các cơ quan chức năng và địa phương cần tính đến việc hỗ trợ DN nội hấp thụ được đầu tư “ngoại” này.
Làm sao để các DN FDI tiếp thêm sức mạnh cho DN nội địa trong chuỗi liên kết hướng đến khai thác cơ hội từ EVFTA và các FTA khác, thay vì cạnh tranh và gây thêm áp lực cho DN nội. TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ vốn cho DN nội đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, đáp ứng đơn hàng quy mô lớn.
Các sở ngành cũng làm cầu nối liên kết DN nội đủ điều kiện với các tập đoàn vốn FDI đang đầu tư tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng, giúp DN nội nâng cao năng lực quản trị, cải tiến chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội để DN nội gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở phạm vi rộng hơn, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương hiện thực hóa chính sách ưu đãi đầu tư liên quan đến thuế, chi phí thuê đất, lĩnh vực đầu tư được ưu tiên…, kết hợp hình thành những khu công nghiệp chuyên ngành để sẵn sàng đón DN nước ngoài vào tham gia đầu tư.
Có thể thấy, thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19 và những chính sách phù hợp để đạt mục tiêu kép về kiểm soát dịch và khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Mặt khác, việc EVFTA sắp có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút dòng chảy vốn FDI.
“Vấn đề còn lại là để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, mạnh tay cắt giảm những thủ tục kiểm tra chuyên ngành không phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất quán và minh bạch trong chính sách ưu đãi thu hút đầu tư ở từng địa phương. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và thực hiện việc kiểm tra kiểm soát đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Đặc biệt, phải xử lý mạnh tay hoạt động kinh doanh hàng gian, hàng giả. Về phía hải quan, nên thực hiện các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt về lách thuế, trốn thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu”, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam), kiến nghị.
Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,3 tỷ USD - chiếm 51,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trung Quốc 950,1 triệu USD (11,3%), vùng lãnh thổ Đài Loan 775,2 triệu USD (9,2%), đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 770,8 triệu USD (9,1%), Hàn Quốc 544,8 triệu USD (chiếm 6,5%), Nhật Bản 323,6 triệu USD (3,8%)... Trước đó, từ năm 2017 đến 2019, vị thế dẫn đầu tập trung chủ yếu ở 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản. |