Tăng trưởng GDP quý III có thể cao hơn quý II

(ĐTTCO) - Ngày 6-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Báo cáo với Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm, nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31-8 là hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch; tính về số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn, do biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào. Nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong tháng 8, chúng ta vẫn đạt những kết quả nổi bật: Tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân dù dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, tăng trưởng GDP quý 3 có thể cao hơn quý 2 nếu không có những biến động lớn, các cân đối lớn được bảo đảm tốt, nền kinh tế tiếp tục phục hồi. 

Tăng trưởng GDP quý 3 có thể cao hơn quý 2 ảnh 1Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 xác định, gồm “4 ổn định” (ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội); 3 “tăng cường” (tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine Covid-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước); “2 đẩy mạnh” (đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch); “1 tiết giảm” là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và “1 kiên quyết không” là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.

Các tin khác