Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận đi xuống
BCTC quý IV-2022 của CTCP Tập đoàn FPT (FPT) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng là 22% (đạt 13.042 tỷ đồng) với sự dẫn dắt chính bởi mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) quốc tế. Cụ thể, mảng dịch vụ này duy trì mức tăng trưởng lên đến 32% và được hỗ trợ từ việc hoàn thành các dự án tại thị trường Mỹ (tăng 68%) và sự phục hồi tiếp diễn của thị trường Nhật (tăng 28%).
Các khối kinh doanh còn lại cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ổn định như: công nghệ (tăng 21%), viễn thông (tăng 14%), giáo dục (tăng 66%).
Tuy nhiên, trái ngược với mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trước thuế của mảng CNTT chỉ tăng 12% do biên lợi nhuận của F-Soft và FIS giảm lần lượt là 14,2% và 0,4%, bất chấp cơ cấu doanh thu cung cấp các dịch vụ CNTT truyền thống đã giảm xuống. Nguyên nhân nữa là do FPT ghi nhận nhiều chi phí dự phòng các khoản phải thu và lỗ tỷ giá từ thị trường Nhật Bản trong kỳ.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế mảng viễn thông chỉ đạt mức tăng trưởng 6%. Nguyên nhân là FPT Telecom đã chủ động sử dụng phần lớn lượng tiền gửi kỳ hạn ngắn để tất toán gần 50% dư nợ vay của mình so với quý III-2022 khi tỷ giá USD/VND biến động, làm giảm phần lợi nhuận tài chính. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gia tăng trong thị trường Internet băng thông rộng, vốn đang dần bão hòa, cũng khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đi xuống.
Đáng chú ý là lợi nhuận từ 2 công ty liên kết sụt giảm mạnh 64% trong quý IV khi thị trường kỹ thuật số (ICT) bắt đầu chịu ảnh hưởng từ nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Trong đó, lợi nhuận từ FPT Retail (bán lẻ ICT và dược phẩm) giảm 72% còn Synnex FPT (phân phối ICT) giảm 53%.
Kỳ vọng gì trong năm 2023?
Dù ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực, nhưng báo cáo phân tích mã CP FPT vừa được CTCK Rồng Việt (VDSC) công bố, vẫn đặt kỳ vọng về doanh nghiệp này trong năm 2023 với dự phóng doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt 18% và 22%. Dự báo của VDSC dựa trên 2 mảng kinh doanh chính của FPT là CNTT và viễn thông.
Ở mảng CNTT, VDSC dự báo doanh thu mảng dịch vụ CNTT quốc tế tăng trưởng 23% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 25%.
Mảng kinh doanh này có thể sẽ chịu áp lực từ xu hướng trì hoãn thực hiện các dự án CNTT của các doanh nghiệp trên thế giới nhằm đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận. Tuy nhiên, sự giảm tốc là không quá lớn khi mảng này vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố: khối lượng dự án khổng lồ đã ký trong năm ngoái với tổng trị giá ký gần 1 tỷ USD; doanh thu thị trường Mỹ sẽ được hỗ trợ từ thương vụ M&A gần đây với Intertec, trong khi nhu cầu của thị trường Nhật đang tiếp nối đà hồi phục.
Với mảng viễn thông, dự phóng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2023 của FPT tăng trưởng lần lượt 13% và 14%.
Theo VDSC, mảng Internet băng thông rộng của FPT Telecom sẽ có tăng trưởng dừng ở mức 1 chữ số trong năm 2023, do nhu cầu đăng ký thuê bao băng thông rộng cố định mới của nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tương đối chậm trong khi thị trường đang dần bão hòa.
Trong khi đó, dịch vụ Pay TV và dịch vụ viễn thông cho nhóm khách hàng doanh nghiệp dự kiến sẽ dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng khoảng 25%. Bởi đây vẫn đang là các nhóm dịch vụ mà FPT chú trọng đẩy mạnh trong năm nay.
Từ dự báo trên, VDSC kỳ vọng giá mục tiêu của FPT là 100.500 đồng/CP. Giá mục tiêu này phản ánh tổng mức sinh lời kỳ vọng là 28%, tính tại thời điểm ngày 2-3, tương đương với mức P/E 2023-2204 là 16,8x và 13,7x.