Xét về mặt thời gian, tăng trưởng GDP đã có xu hướng cao lên qua các quý, từ mức 4% quý I, 4,66% quý II đến 5,35% vào quý III.
Những cơ sở để kỳ vọng
Tăng trưởng GDP xét về mặt tích cực được biểu hiện ở 4 điểm chủ yếu sau:
Một là, xét về mặt thời gian, tăng trưởng GDP đã có xu hướng cao lên qua các quý. Nếu tăng trưởng quý I được coi là “đáy”, thì từ quý II, tăng trưởng kinh tế đã có nỗ lực thoát đáy vượt dốc đi lên.
Hai là, xét về điều kiện, việc đạt được tốc độ tăng của 9 tháng như trên là một cố gắng lớn, trong điều kiện trên thế giới nhiều nền kinh tế bị suy giảm tăng trưởng (tăng trưởng chậm lại), thậm chí còn bị suy thoái (tăng trưởng âm); trong điều kiện ở trong nước thì phải ưu tiên và tập trung cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó sẽ có những hiệu ứng phụ khó tránh khỏi.
Ba là, từ kết quả này, kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ cao lên trong quý IV và tốc độ tăng trưởng cả năm sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong 9 tháng.
Bốn là, tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, tuy tốc độ có khác nhau. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản đạt kết quả khá, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho số lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, làng nghề gặp khó khăn; xuất khẩu đạt quy mô và tăng trưởng khá; góp phần kiềm chế lạm phát khi giá lương thực giảm 8 tháng liền, giá thực phẩm giảm 6 tháng liền…
Nhóm ngành công nghiệp- xây dựng có nhiều cố gắng vượt qua nhiều khó khăn giảm dần tồn kho. Nhóm ngành dịch vụ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế, đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng chung (2,51 điểm phần trăm, hay đóng góp 53,1% vào tốc độ tăng chung). Một số mặt trong lĩnh vực dịch vụ đạt kết quả tích cực, như tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sau khi loại trừ tốc độ tăng giá, đã cao dần lên (quý I tăng 5%, 6 tháng tăng 6,5%, 9 tháng tăng 6,7%). Tăng trưởng xuất khẩu đạt cao (18,9%) và chủ yếu do tăng lượng xuất khẩu; đặc biệt 9 tháng đã xuất siêu…
Để không rơi vào vòng luẩn quẩn
Bên cạnh mặt tích cực, tăng trưởng kinh tế 9 tháng 2012 cũng có những hạn chế bất cập. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn tốc độ của cùng kỳ 2 năm trước (4,73% so với 5,77% và 6,54%). Tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước thể hiện ở cả 3 nhóm ngành, ở cả nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản (tương ứng tăng 2,48% so với 3,75%); ở cả nhóm ngành công nghiệp- xây dựng (4,36% so với 5,85%); ở cả nhóm ngành dịch vụ (5,97% so với 6,5%).
Đáng lưu ý, nhóm ngành công nghiệp- xây dựng trong nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng cao và trở thành động lực, đầu tầu tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế thì kỳ này đã tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung.
Với tiến độ tăng trưởng 9 tháng, phải phấn đấu quyết liệt trong quý IV, thì cả năm mới có thể đạt trên 5% như kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012 diễn ra ngày 27/9.
Có thể nói, về mặt tư duy, mục tiêu tăng trưởng như trên là hợp lý để kiên trì và nhất quán với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, mà không chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá. Đây là bước chuyển đổi quan trọng về tư duy quản lý, điều hành trong năm nay cũng như các năm sau để vừa tránh rơi vào vòng luẩn quẩn “tăng trưởng- lạm phát- thắt chặt- suy giảm- nới lỏng- lạm phát…”.
Ngoài các giải pháp được nêu trong Nghị quyết 13/NQ-CP đã đưa ra trước đây, Hội nghị Chính phủ đã nêu tiết bổ sung và nhấn mạnh nhiều biện pháp cụ thể, trong đó có các giải pháp về kiềm chế lạm phát, về ổn định kinh tế vĩ mô, về tăng trưởng hợp lý. Bên cạnh các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như kiểm soát chặt chẽ giá cả, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán, giữ vững sự ổn định tỷ giá; kiểm soát chặt chẽ về lãi suất; cân đối thu chi, giữ bội chi 4,8% GDP…,
Chính phủ đã chỉ ra các biện pháp để đạt được tốc độ tăng trưởng hợp lý. Đó là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế như gạo, thuỷ sản, hàng dệt may, da giày; phát triển các dịch vụ lợi thế như du lịch, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng không; tập trung giải quyết hàng tồn kho, nhất là vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.