Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đến dự và phát biểu chỉ đạo
Phấn đấu giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự ATGT. Trong đó, đáng lưu ý là hạ tầng giao thông thành phố tiếp tục chịu sự tác động trước lượng xe cá nhân tăng nhanh; lòng đường, vỉa hè có nguy cơ bị tái lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán nếu thiếu kiểm tra giám sát. Tình trạng này tái diễn do một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT. Tuy số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm, nhưng vẫn còn nguy cơ tăng cao nếu không có sự tập trung với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giao Ban ATGT TPHCM nâng chất hơn nữa phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2020-2025 để hoạt động này thấm sâu đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thành phố. Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Ban ATGT TP quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 34 ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; tham mưu UBND TPHCM phát động phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2020-2025 gắn với các nội dung, chương trình, phần việc cụ thể thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Trong đó, đưa phong trào thi đua trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với từng cơ quan, đơn vị và là hoạt động thường xuyên trong đời sống hàng ngày của người dân thành phố. Phấn đấu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người bị thương và số người chết do TNGT) từ 5% trở lên.
Đối với các sở ban ngành, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, chú trọng đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, đường sắt; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, kiểm soát hiệu quả việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn thành phố, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Phấn đấu hoàn thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 2 vào năm 2025.
Đưa vào sử dụng 57 công trình, dự án giao thông
Trước đó, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM Nguyễn Ngọc Tường báo cáo một số hoạt động trọng tâm của phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự ATGT năm 2018-2020”. Theo đó, chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “bảo đảm trật tự ATGT và hạn chế TNGT góp phần bảo đảm hệ thống giao thông hoạt động thông suốt phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hàng đầu. Đến thời điểm này đã có 24 quận, huyện và 26 sở, ban ngành đăng ký thực hiện chủ đề năm an toàn giao thông 2020 “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Theo Ban ATGT TPHCM, 9 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 13,8%, số người chết giảm 14,1%, số người bị thương giảm 12,4%. Mặc dù TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm nhưng diễn biến còn phức tạp. Ở một số quận huyện, TNGT còn tăng cao.
Tình hình ùn ứ giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân như lượng phương tiện đông, sự cố tai nạn, phương tiện hư hỏng, ảnh hưởng tiêu cực của các dự án đang thi công, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đáp ứng kịp và chưa có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân hiệu quả. Tình trạng buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè và chợ tự phát vẫn còn diễn ra nhiều nơi, gây mất trật tự ATGT. Trong khi đó, một số quận huyện chưa tập trung kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp này.
Về cơ sở hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, việc đầu tư phát triển công trình giao thông là 1 trong 7 giải pháp giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2015-2020. Đến thời điểm này, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 57 công trình, dự án giao thông với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại những “điểm nóng” như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…
Bên cạnh đó, thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa vào sử dụng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 1. Đây là trung tâm đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý điều hành giao thông. Cổng thông tin giao thông điện tử thành phố với hơn 7,5 triệu lượt truy cập; ứng dụng BusMap cung cấp thông tin về lộ trình, thời gian hoạt động và vị trí của xe buýt, thu hút hơn 870.000 lượt tải ứng dụng.
Thành phố cũng đã triển khai thí điểm sử dụng vé điện tử dành cho xe buýt và lắp đặt hệ thống thanh toán tự động trên 13 tuyến xe buýt với 162 phương tiện. Triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe thanh toán thông qua ứng dụng MyParking, ViettelPay tại 23 tuyến đường.