Tăng vốn điều lệ, không có hồi kết

(ĐTTCO) - Trong năm 2021, các ngân hàng (NH) đã tăng vốn điều lệ (VĐL) hơn 23% với tổng cộng hơn 92.000 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ, không có hồi kết
 Đây cũng là năm mà ngành NH có tốc độ tăng vốn mạnh mẽ nhất và vượt qua cả năm 2018. Các NH có mức tăng vốn mạnh nhất trong năm là VPBank (tăng 78%), SHB (52%), TPBank (48%), VIB (40%), MB (35%)...
Thế nhưng, trong báo cáo mới đây, hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings tiếp tục đánh giá, hệ thống NH của Việt Nam có vốn hóa mỏng so với rủi ro môi trường hoạt động và các NH quốc tế. Để chứng minh Fitch Ratings nhận định, vốn hóa của ngành NH Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây nhờ khả năng sinh lời mạnh hơn, và các NH tích cực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel II.
Song tổ chức này ước tính, các NH chưa tuân thủ Basel II, chỉ cần huy động 0,6 tỷ USD vốn mới để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu của Basel II là 8%, trước thời hạn thực hiện vào tháng 1-2023. Thế nhưng, Fitch Ratings lại đặt ra một so sánh rộng hơn để chỉ ra mức tăng vốn như vậy mới đủ theo yêu cầu, chưa thể giúp các NH tại Việt Nam có độ an toàn sánh ngang với các NH trong khu vực.
Cụ thể là tại thời điểm cuối quý III-2021, CAR bình quân của các NH có vốn nhà nước và NH cổ phần tuân thủ Basel II lần lượt ở mức 9,2% và 11,4%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân 19,4% của các NH tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á khác.
Không chỉ vậy, Fitch Ratings còn nhắc nhở thêm vấn đề của các NH Việt Nam đó là tỷ lệ nợ xấu được báo cáo thấp hơn thực tế, do các khoản dự phòng tín dụng bổ sung đối với các khoản vay có vấn đề chưa được tính vào (nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch Covid-19).
Do vậy để đáp ứng buộc phải tăng VĐL và các chuyên gia của Fitch Ratings ước tính hệ thống NH sẽ cần thêm vốn bổ sung lên tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP), nhằm đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho vay bù đắp thiệt hại có thể xảy ra từ tất cả khoản vay có vấn đề, đồng thời duy trì hệ số CAR ở mức 10%. Trong đó, đối tượng cần bổ sung VĐL chủ yếu là các NHTM có vốn nhà nước. 
Tăng VĐL luôn là câu chuyện không bao giờ cũ của các NH Việt Nam. Còn nhớ tại báo cáo tình hình thị trường tài chính năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhận định, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II nhu cầu tăng vốn của các NH là rất lớn, đặc biệt là đối với các NH do Nhà nước sở hữu, tới cuối năm 2020 phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II.
Sau đó, các NH này đã nỗ lực tăng vốn bằng nhiều hình thức, như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài…
Từ năm 2018 đến nay tốc độ tăng VĐL càng ngày càng nhanh. Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 đã kéo thêm áp lực tăng vốn, cộng vào đó tốc độ tăng trưởng cho vay nhanh đã tăng thêm lực kéo đối với hệ số CAR. Trong đó năm 2021, tín dụng tăng hơn 13% và mục tiêu NHNN đặt ra cho năm nay là 14%. Hai yếu tố này được dự báo sẽ khiến việc nâng hệ số CAR của NH Việt trở nên khó khăn trong 2-3 năm tới.
Dẫu vậy trong vài ba năm tới, có lẽ không kênh vốn nào có thể gánh đỡ được nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế thay các NH để họ có thể thong thả hơn trong câu chuyện tăng vốn. Bởi thị trường chứng khoán hiện chỉ là nơi để đầu tư, không phải là địa chỉ gọi vốn của doanh nghiệp (DN).
Còn thị trường trái phiếu DN đã từng kỳ vọng lớn về việc hỗ trợ NH cho vay trung và dài hạn, dù phát triển rất thần tốc nhưng lại bị “lỗi”, chứa đựng nhiều rủi ro, liên tục được cảnh báo. Cũng vì khó có sự san sẻ từ các thị trường khác như vậy, câu chuyện tăng vốn của các NH sẽ tiếp tục là nội dung chính của các NH trong năm 2022 và những năm tới nữa. Và các NH cũng không thể rời bỏ cuộc đua tăng vốn khốc liệt này. 

Các tin khác