*Ủy ban đại diện vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp có tổng tài sản 2,3 triệu tỷ đồng
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CMSC. Theo đó, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao cho ủy ban đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu quả, sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế Việt Nam là mối quan tâm đặc biệt nhiều năm nay của Đảng, Nhà nước, xã hội. Chính vì thế, trong nghị quyết Đại hội Đảng XII đã yêu cầu tháng 8-2018 có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cũng theo Thủ tướng, việc thành lập ủy ban là bước quan trọng, phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn chức năng quản lý nhà nước, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Không chỉ Chính phủ mà các cơ quan có liên quan, dư luận xã hội kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của ủy ban trong quản lý, đổi mới tư duy… nhằm khắc phục những yếu kém, tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động để DNNN nói chung, các tập đoàn, tổng công ty nói riêng kinh doanh hiệu quả, thành công trong nước và quốc tế.
Về tính hiệu quả, khả năng cạnh tranh của DNNN sau khi có ủy ban, Thủ tướng nhấn mạnh, xét về mặt đại diện chủ sở hữu nhà nước, ủy ban có vai trò chủ chốt, quyết định. Những đơn vị thuộc ủy ban đều đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế: vốn nhà nước 1 triệu tỷ đồng - chiếm 2/3 tổng vốn nhà nước tại DN, tổng tài sản khoảng 2,3 triệu tỷ đồng.
Để hoạt động thành công, Thủ tướng yêu cầu ủy ban tập trung vào 6 nhiệm vụ. Thứ nhất là nhanh chóng kiện toàn bộ máy tinh gọn, hiệu quả, tuyển cán bộ có năng lực, đúng vị trí; tăng cường giám sát nội bộ không để xảy ra tiêu cực; hoàn thiện chế độ quản lý báo cáo.
Nêu ví dụ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thủ tướng đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai và cho rằng, ủy ban cần phải nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo toàn phát triển vốn nhà nước tại DN trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cần có thước đo đánh giá từng tập đoàn, tổng công ty và phải có sự cải thiện mỗi năm.
Thứ hai là bổ sung, hoàn thiện chiến lược phát triển các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền quản lý; nâng cao hiệu quả DNNN, nâng cao quản trị DN; tiếp tục sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa DNNN nhanh hơn, đi liền đó là chống thất thoát.
Thứ ba là thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đi sâu đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Thứ tư là tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động, tránh sân trước, sân sau, thất thoát.
Thứ năm là chủ động nghiên cứu, hoàn thiện chính sách quản lý, đầu tư vốn nhà nước trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng hiện nay.
Thứ sáu là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển giao về ủy ban, báo cáo kịp thời khó khăn vướng mắc.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ủy ban cần tạo sự đổi mới khác biệt trong thực hiện quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sau 1 năm hoạt động sẽ phải có sơ kết, đánh giá… Về chuyển giao DN, Thủ tướng yêu cầu không để khoảng trống pháp lý trong quá trình bàn giao, không để ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC, nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời triển khai xây dựng chính phủ điện tử, ủy ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với doanh nghiệp được giao quản lý.
Bộ chỉ số bao gồm các chỉ số chung và riêng theo ngành/lĩnh vực, có xem xét tương quan ngành trong toàn thị trường. Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định hiện hành nhờ phần mềm chuyên biệt.
Cũng trong lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao quyết định của Thủ tướng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức vụ Phó Chủ tịch CMSC.
Tổng hợp báo cáo tài chính thời điểm 31-12-2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
19 tập đoàn, tổng công ty được Chính phủ giao CMSC đại diện chủ sở hữu nhà nước, gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. |