Tạo thuận lợi cho người đi xe đạp công cộng

(ĐTTCO) - TPHCM vừa thí điểm đưa vào sử dụng xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm. Sau khi đã trải nghiệm xe đạp công cộng, với tôi, sử dụng loại hình phương tiện này không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu đi lại mà còn cảm thấy thú vị khi vừa thân thiện, lợi ích cho sức khỏe và dễ dàng tham quan các tuyến đường nhỏ, hẻm sâu, xe buýt không thể lưu thông đến nơi. 

Xe đạp có mẫu mã khá đẹp, màu sắc bắt mắt phù hợp với những thành phố phát triển trên thế giới hướng tới sống xanh. Tôi nghĩ, nếu kết nối thuận lợi và an toàn hơn nữa thì xe đạp công cộng sẽ góp phần đáng kể thu hút hành khách sử dụng xe buýt kết hợp đi bộ trong cự ly gần, không chỉ phục vụ khách du lịch mà còn với cán bộ, công chức, người lao động đi làm hàng ngày. 

Tạo thuận lợi cho người đi xe đạp công cộng ảnh 1Người dân TPHCM thử nghiệm xe đạp công cộng.  Ảnh: TTBC

Cơ quan chức năng thành phố từng xây dựng đề án phát triển xe đạp công cộng nhưng dường như ít người hưởng ứng, còn có ý kiến cho rằng khó khả thi. Điển hình trước đây, Sở GTVT TPHCM cũng đã bố trí sẵn xe đạp dành cho cán bộ, công chức, người lao động sử dụng khi có nhu cầu. Song, nhiều đơn vị khác vẫn chưa có tín hiệu đón nhận hay hưởng ứng. Một cán bộ ngành GTVT cho biết: “Nên di chuyển bằng xe đạp trong cự ly từ 2-4km, nhưng lo nhất là mất an toàn khi đi chung đường với xe máy, ô tô”. Có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tổ chức, cá nhân chưa mặn mà với xe đạp.

Nhiều thành phố trên thế giới nhờ phát triển mô hình xe đạp công cộng kết hợp đi bộ, xe buýt, metro đã góp phần giải quyết ùn tắc giao thông như Paris (Pháp), Luân Đôn (Anh), Madrid (Tây Ban Nha) Áo, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hà Lan… Đó là một hệ thống xe đạp công cộng an toàn, văn minh và hiện đại. Bangkok (Thái Lan) cũng đã tổ chức mô hình xe đạp công cộng kết hợp với đi bộ trong bán kính gần để thay thế xe máy được đông đảo người dân ủng hộ, hưởng ứng. Chính quyền lập các trạm xe đạp phục vụ những người không đi xe cá nhân, phân làn riêng để họ lưu thông thuận lợi và an toàn, đến nay đã có khoảng 365km đường dành cho xe đạp được liên kết với hệ thống giao thông công cộng. 

Hành khách vào trung tâm nếu có nhu cầu thì sử dụng dịch vụ xe đạp tới những nơi cần đến, xong việc có thể trả xe đạp ở bất kỳ trạm nào, không cần nhân viên phục vụ nhờ hệ thống tự động. Người dân sử dụng xe đạp công cộng chỉ cần mua thẻ, đăng ký thông tin cá nhân để dễ kiểm soát. 
TPHCM là đô thị đang phát triển, ở khu vực trung tâm hiện có hàng trăm ngàn ngõ ngách cùng với hẻm sâu mà phương tiện công cộng, xe buýt không thể vào được để kết nối giao thông và phủ rộng khắp mọi nơi. Mặt khác, việc mở rộng nâng cấp ngõ hẻm cho phương tiện công cộng và xe buýt lưu thông là điều khó thành hiện thực bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người dân. Chi phí rất tốn kém do phải đền bù trong khi giá đất mỗi mét vuông ở khu vực trung tâm lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể phải giải tỏa khối lượng lớn nhà cao tầng, trụ sở làm việc, vật kiến trúc và hàng loạt các công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông, cấp thoát nước.

Hy vọng rằng khi hoàn thành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, vận tải hành khách với khối lượng lớn, mô hình xe đạp công cộng sẽ càng phát huy tác dụng, được nhân rộng để kết nối xe buýt và đa dạng hóa nhu cầu đi lại; vừa tiện lợi, giá rẻ vừa chủ động thời gian để người dân bỏ xe cá nhân chuyển qua sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tất nhiên lúc đó, phải có vỉa hè phục vụ cho người đi bộ, xe đạp công cộng và xe buýt vẫn là phương tiện kết nối giữa các tuyến metro. Bên cạnh giải quyết dứt điểm nạn chiếm dụng trái phép lòng lề đường, thành phố cần cải tạo nâng cấp các tuyến đường đủ rộng và bằng phẳng, trồng cây xanh tạo bóng mát, xây nhà vệ sinh công cộng, bố trí xe chuyên dụng tẩy rửa và hút bụi để đường phố luôn sạch sẽ.

Các tin khác