Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) nói rằng, nếu có toàn quyền, họ sẽ đóng cửa Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn vì vấn đề rò rỉ đã ở mức nghiêm trọng, tuy nhiên, quyết định xử lý cuối cùng vẫn thuộc về nhà vận hành Trung Quốc.
Người phát ngôn EDF nói rằng, dù vấn đề tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn chưa ở mức tình thế khẩn cấp, nhưng ở mức nghiêm trọng và ngày càng trầm trọng, do các thanh nhiên liệu bị hư hại. Nếu lò phản ứng hạt nhân này được đặt ở Pháp, EDF sẽ đóng cửa theo “các thủ tục và cách thức vận hành điện hạt nhân ở Pháp”, người phát ngôn nói.
Người phát ngôn không trực tiếp kêu gọi Trung Quốc dừng hoạt động của nhà máy vì đó là quyết định của đối tác Trung Quốc và cổ đông chính của nhà máy - Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN).
Tháng trước, CNN đưa tin đầu tiên về sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Theo đó, Framatome, công ty con của EDF, đơn vị hỗ trợ các hoạt động tại Đài Sơn, đã cảnh báo về “nguy cơ phóng xạ sắp xảy ra” tại nhà máy này. Cảnh báo này khiến chính phủ Mỹ phải tìm hiểu khả năng rò rỉ phóng xạ tại Đài Sơn.
Framatome cũng cáo buộc cơ quan quản lý an toàn của Trung Quốc nâng cao giới hạn cho phép đối với nồng độ phóng xạ được phát hiện bên ngoài nhà máy để tránh nhà máy phải đóng cửa, theo một công văn của công ty điện lực Pháp gửi Bộ Năng lượng Mỹ. Phía Trung Quốc nói rằng, “không có sự bất thường trong môi trường phóng xạ” và độ an toàn của nhà máy “được đảm bảo”.
Hồi tháng 6, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân của Trung Quốc thừa nhận đã nâng mức độ phóng xạ trong mạch sơ cấp của một trong hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy vì các thanh nhiên liệu bị hư hại. Nhưng cơ quan này cho rằng, sự cố này “hoàn toàn khác với sự cố rò rỉ phóng xạ” vì các tấm chắn vật lý vẫn an toàn, đồng thời phủ nhận việc nâng giới hạn cho phép đối với nồng độ phóng xạ.
Trước đó, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Trung Quốc cũng nói rằng, trong tổng số hơn 60.000 thanh nhiên liệu trong lò phản ứng, chỉ có 5 thanh bị ảnh hưởng, nên không có “sự rò rỉ phóng xạ ra môi trường”.
Ngày 23/7, người phát ngôn EDF nhắc lại rằng, công ty phát hiện hàm lượng khí hiếm tăng lên trong một lò phản ứng của nhà máy. EDF đã công khai nói rõ lập trường của mình với đơn vị vận hành và đồng sở hữu Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Đó là Công ty Liên doanh điện hạt nhân Đài Sơn (TNPJVC). EDF chiếm 30% cổ phần trong TNPJVC (liên doanh với CGN thuộc sở hữu nhà nước).
“Chúng tôi đã chia sẻ với TNPJVC tất cả thông tin phân tích của EDF và nêu rõ lý do tại sao chúng tôi sẽ đóng cửa lò phản ứng nếu nói được đặt ở Pháp. Chúng tôi làm vậy để họ có thể ra quyết định cần thiết với tư cách là nhà vận hành có trách nhiệm”, người phát ngôn EDF nói.
Theo người phát ngôn, EDF sẽ đóng cửa lò phản ứng “để tránh việc các thanh nhiên liệu xuống cấp, để thực hiện điều tra và để tránh việc cơ sở công nghiệp này bị hư hại thêm”.
TNPJVC đang có kế hoạch tự phân tích dữ liệu và đánh giá tình hình sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. EDF nói họ không biết thời điểm TNPJVC ra quyết định.
Chính phủ Mỹ đánh giá
Tháng 6, chính phủ Mỹ đánh giá báo cáo về vụ rò rỉ tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn sau khi Framatome cảnh báo. Dù Framatome có cảnh báo về “nguy cơ phóng xạ trước mắt”, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng, nhà máy chưa rơi vào cấp độ khủng hoảng”.
Hồi tháng trước, giới chức Mỹ cho rằng, tình hình hiện nay không gây mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của công nhân nhà máy hoặc công chúng Trung Quốc. Tuy nhiên, việc một công ty nước ngoài đơn phương tìm đến chính phủ Mỹ xin trợ giúp khi đối tác Trung Quốc (thuộc sở hữu nhà nước) chưa thừa nhận có vụ rò rỉ là một điều bất thường.
Framatome đã liên lạc với phía Mỹ nhằm xin một quyền miễn trừ cho phép họ chia sẻ sự trợ giúp kỹ thuật Mỹ để giải quyết vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc. Mỹ có thể cho phép Framatome trợ giúp kỹ thuật hoặc ủng hộ để giải quyết vấn đề.
Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn được xây dựng sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận với EDF (phần lớn thuộc sở hữu của chính phủ Pháp). Nhà máy được khởi công xây dựng năm 2009 và hai tổ máy phát điện từ năm 2018 và 2019.
Những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng sử dụng năng lượng hạt nhân, loại năng lượng này chiếm khoảng 5% tổng lượng điện của nước này. Theo Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc, tính đến tháng 3/2021, Trung Quốc có 16 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động với tổng số 49 lò phản ứng, tổng công suất 51.000 megawatt.