![TPHCM là trung tâm kinh tế hàng đầu của đất nước.](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evofjasfzyr/2025_02_08/1717556536-image1-1717556199-50-width2048height1127-6954-4728.jpg.webp)
Từ xu hướng chung ở châu Á
Hiện nay thế giới có 2 chỉ số cơ bản để xếp hạng các thủ đô tài chính quốc tế là: Global Financial Centres Index - GFCI (Anh) và International Financial Centres Development Index - IFCDI (của Mỹ và Trung Quốc). Trong đó, GFCI xuất hiện trước IFCDI và đã là thước đo năng lực cạnh tranh của các thủ đô tài chính thế giới từ năm 2007.
Chỉ số GFCI được tính toán dựa trên đánh giá hoạt động của 29.000 TTTC cỡ lớn trên toàn cầu, cùng với 100 chỉ số từ các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới (World Bank), OECD, Cơ quan tình báo kinh tế (EIU). Báo cáo về GFCI được thực hiện đều đặn vào tháng 9 và tháng 3 hàng năm (riêng nước Mỹ có tới 4/10 thủ đô tài chính lớn nhất toàn cầu).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các công ty thương mại và ngân hàng đầu tư ở thành phố New York và châu Âu đang phải cố gắng duy trì lợi nhuận trong bối cảnh bất ổn kinh tế gắn liền với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng tồi tệ trong khu vực đồng Euro.
Mặt khác, các nhân viên ngân hàng, giao dịch viên tại Mỹ và châu Âu cũng đang phải đối mặt với hạn chế khắc nghiệt về các hoạt động tài chính gắn với rủi ro khách quan mang tính khu vực ngày càng gia tăng, có nguy cơ giảm lợi nhuận trong hiện tại và cả trong tương lai.
Ngược lại, các ngân hàng, các TTTC tại châu Á lại không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính đó, và đang được hưởng lợi nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế khá vững chắc, kể cả trong bối cảnh hơn một năm thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 cho đến nay.
![tsnguyendailai.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/evofjasfzyr/2025_02_08/tsnguyendailai-5639-5720.jpg.webp)
Đây cũng chính là nguyên nhân mà hiện nay trên thế giới hầu hết các nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, đều nhất thiết phải có TTTC để kết nối không chỉ với nền kinh tế nội mà với cả các quan hệ kinh tế với nước ngoài. Thậm chí ở nhiều quốc gia đã có đồng thời nhiều TTTC đủ mọi quy mô quốc nội và quốc tế.
TTTC là địa điểm tập trung nhiều công ty trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản và các công ty phụ trợ. Bởi bản thân thị trường tài chính luôn kéo theo các dịch vụ hỗ trợ làm cho TTTC trở nên đa dạng và chuyên nghiệp, bao gồm: các trung gian tài chính (ngân hàng, công ty thông tin tín dụng); các tổ chức đầu tư (trung tâm quản lý đầu tư, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ phòng hộ); các nhà phát hành nợ (công ty chứng khoán, công ty tài chính và Chính phủ)...
Tại châu Á, hiện đang nổi lên nhiều TTTC tầm cỡ quốc tế và đang phát triển rất mạnh, như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Tokyo, Đài Loan (Trung Quốc), Seoul, Thượng Hải, Bangkok.
Đến những điều kiện của TPHCM
Tính đến nay, Việt Nam đang có Thủ đô Hà Nội và 4 trung tâm kinh tế lớn đại diện ở 3 miền của đất nước gồm: TP Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế và đầu não các bộ ngành của cả nước; TPHCM - trung tâm của các tỉnh Đông Nam bộ; TP Cần Thơ - trung tâm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; TP Đà Nẵng - trung tâm của các tỉnh miền Trung, Tây nguyên; TP Hải Phòng - trung tâm các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Trong các thành phố và trung tâm kinh tế nói trên, có thể khẳng định TPHCM là địa danh phù hợp nhất để sớm hình thành TTTC cấp khu vực. Hiện nay chủ trương này đã được thông qua và đã có đề án cụ thể.
Minh chứng là mật độ tập trung các tổ chức tài chính trên địa bàn TPHCM cao nhất so với cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã có tới hơn 2.100 đơn vị, trong đó có khoảng 50 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 30 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và 4 ngân hàng quốc doanh.
Sau 20 năm vận hành và phát triển, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cũng đã trở thành thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn và các sản phẩm chứng chỉ quỹ, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), chứng quyền có bảo đảm. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HoSE đã đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
TPHCM cũng có vị trí chiến lược nằm giữa hai khu vực kinh tế Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang phát triển rất mạnh, múi giờ của TPHCM lại không trùng với ít nhất 21 TTTC lớn nhất thế giới, điều này giúp các giao dịch, di chuyển, hội họp không trùng lắp.
Cùng với đó, sân bay Long Thành đang triển khai và Tân Sơn Nhất đang được mở rộng, là những nhân tố hết sức thuận lợi để TPHCM sớm trở thành TTTC cấp khu vực và triển vọng phát triển rộng hơn trong thời gian không lâu. Với những điều kiện nói trên, đủ để xây dựng TTTC Đông Nam Á tại TPHCM.
Cần những chính sách cụ thể
Tuy vậy, những thế mạnh và quy mô hiện có của TPHCM như đã nói dù sao vẫn chỉ là “vua xứ nhà”. Nếu so với quy mô về đầu mối giao dịch, thể chế và điều kiện hạ tầng để phát triển thành TTTC ở khu vực châu Á, thì Việt Nam và TPHCM còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để khắc phục yếu kém, tạo lập chính sách mới, cơ cấu thị trường mới, cơ sở hạ tầng công nghệ mới.
Trước hết, về quy mô kinh tế. TPHCM hiện mới đứng thứ 55 về thu hút thương mại và thứ 128 về quy mô kinh tế của các thành phố trên thế giới. Về nội lực, TPHCM dù đang chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp lớn của cả nước, đang đóng góp từ 1/4 đến 1/3 tổng thu ngân sách, vốn huy động, dư nợ cho vay của cả nước... nhưng tỷ lệ ngân sách được giữ lại so với doanh thu ngày càng giảm, khiến cho địa phương không có đủ động lực để phát triển ngang tầm năng lực thực của thành phố.
Các chính sách thuế và phí đều ở tầm quốc gia, nhưng chưa tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính của thành phố. Đây là những vấn đề cần khắc phục. Theo đó, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách và cơ chế đặc thù dành riêng cho TPHCM để tạo nguồn lực hình thành và vận hành TTTC cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam.
Cũng cần nói thêm, mục tiêu phát triển TPHCM trở thành TTTC của khu vực đã có từ khoảng 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, trong khi Thượng Hải của Trung Quốc khởi động sau nhưng đã sớm về đích. Do đó, cần phải tập trung nguồn lực cho TPHCM trở thành TTTC cấp khu vực.
Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và cơ chế sử dụng ngân sách như những năm qua, thì TPHCM muốn có quy mô kinh tế bằng hoặc vượt TTTC Đài Loan (Trung Quốc) như hiện nay sẽ còn phải cần tới 15-20 năm nữa.