CNBC: Được biết, Techcombank đang chú ý đến các lĩnh vực thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước, bao gồm hàng tiêu dùng nhanh, du lịch, năng lượng tiện ích. Đó là những lĩnh vực đang tăng trưởng, nhưng Techcombank có cả cho vay BĐS?
- Ông Jens Lottner: BĐS vẫn là một lĩnh vực rất quan trọng trong nền kinh tế. Và tôi thấy thực tế còn nhiều nguồn cung thiếu hụt lớn, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở xã hội dành cho phân khúc giá thấp. Điều này cũng xảy ra ở các thị trường lớn như Trung Quốc, hay các nước khác. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một lĩnh vực tăng trưởng mà chúng tôi sẽ hoạt động tích cực.
Có rất nhiều mối quan tâm đến BĐS như một hoạt động đầu tư và nhiều lĩnh vực khác thực sự được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước khi mức thu nhập chung đang tăng lên. Một lĩnh vực mà Techcombank muốn tham gia, đó là du lịch giải trí. Tất cả các lĩnh vực thực sự được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước chứ không phải do xuất khẩu nhiều, bởi vì theo thời gian xuất khẩu có thể sẽ giảm xuống một chút khi nền kinh tế trong nước ngày càng phát triển.
Tôi rất tò mò khi nhìn vào ngành ngân hàng Việt Nam, luôn có một mục tiêu do chính phủ đặt ra, tôi nghĩ là 15%. Và hiện tại là 9% trong 9 tháng đầu năm. Liệu Techcombank có thực hiện các mục tiêu tương tự về tăng trưởng cho vay tín dụng. Hiện tại tốc độ tăng trưởng cho vay của Techcombank như thế nào?
- Thông thường, khi các mục tiêu (tăng trưởng tín dụng) được đưa ra, có những ngân hàng có thể cao hơn, có những ngân hàng có thể thấp hơn. Hạn mức cao hơn thường được giao cho các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn. Trong những năm qua, chúng tôi đã tăng trưởng ở mức khoảng 20%, ngay cả khi so sánh với nửa đầu năm, chúng tôi đã ở mức 11-12%, trong khi phần còn lại của ngành có lẽ ở mức 6%.
Hiện tại chúng tôi đang tiến rất gần đến hạn mức được giao, tức là 18 hoặc 19%. Chúng tôi thực sự có thể kết thúc năm ở mức cao hơn nữa, bởi vì thông thường vào cuối năm, chính phủ vẫn cấp thêm hạn mức, đặc biệt là cho những Ngân hàng tăng trưởng nhiều nhất. Tôi khá chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có hạn mức cao hơn.
Khi đặt ra những mục tiêu táo bạo này, Techcombank đã đạt được một cách khá nhất quán, nhưng liệu điều đó có làm tăng rủi ro, có thể là rủi ro tài chính, không thực hiện được các khoản vay hay không?
- Tổng nợ xấu của chúng tôi thường ở mức thấp nhất trong ngành, từ 1,2 -1,3%. Và tôi nghĩ vấn đề thực sự phụ thuộc vào cách bạn chọn rủi ro. Ví dụ, về lĩnh vực bất động sản vốn có rất nhiều rắc rối nên chúng tôi chỉ làm việc với số lượng hạn chế các nhà phát triển. Tất cả họ đều rất, rất mạnh trên bảng cân đối kế toán. Mọi giấy tờ pháp lý đều rất tốt và có nhiều yêu cầu cao với sản phẩm của họ. Nếu bạn chọn đúng rủi ro, thì bạn đang thực sự làm tốt.
Với chúng tôi, điều quan trọng nhất là phải hết sức thận trọng và doanh nghiệp mạnh thì có thể đi nhanh. Bạn thực sự có dịch vụ tốt thì cũng dễ dàng phát triển nhanh hơn thị trường. Nếu mức trung bình thị trường là 14 hoặc 15% thì con số 20% của Techcombank thực sự không quá cao.
Có thể thấy rất nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam mặc dù cũng còn nhiều vấn đề và sự bất định có thể xảy ra. Ông có thể cho chúng tôi biết loại hình FDI nào Techcombank đang thấy từ phía danh mục cho vay của mình không?
- Tôi nghĩ có rất nhiều vốn FDI vẫn đổ vào lĩnh vực sản xuất vì chiến lược “Trung Quốc cộng một”. Chúng ta đang thấy rất nhiều doanh nghiệp định vị lại, chuyển hoạt động vào Việt Nam. Nhưng tất nhiên, người Hàn Quốc đang sản xuất nhiều thiết bị điện tử, Foxconn tiến hành các hoạt động lớn tại Đài Loan.
Vì vậy, tôi nghĩ chiến lược “Trung Quốc cộng một” này phần lớn đi vào lĩnh vực sản xuất. Sau đó có một số loại “tài sản gặp khó khăn” (các tài sản đang trong tình trạng khủng hoảng hoặc khó khăn tài chính) mà mọi người đã cố gắng thu mua. Và đó là bất động sản. Vậy nên, tôi nghĩ rằng chúng tôi đang tham gia vào hầu hết các lĩnh vực này, chủ yếu là sản xuất, một phần bất động sản và du lịch là những lĩnh vực lớn nhất chúng tôi đang xem xét.
Khi đảm nhận vị trí lãnh đạo tại Techcombank 4 năm trước, với kinh nghiệm thực tế của các cố vấn quản lý tại McKinsey, BCG thì điều đầu tiên mà ông nhận ra đó là gì và cần phải làm hoặc phải thay đổi?
- Chúng tôi thực sự đã đặt cược rất rất lớn vào công nghệ. Trong vài năm qua, chúng tôi đã đầu tư 500 triệu USD cho việc nâng cấp công nghệ của ngân hàng cùng rất nhiều tiền vào dữ liệu. Nếu bạn so sánh vị trí của chúng tôi bốn năm trước với vị trí hiện tại về mặt dữ liệu, hoặc so với những tên tuổi quen thuộc, tôi nghĩ có lẽ tiêu chuẩn của chúng tôi không chỉ ở ASEAN mà đã theo chuẩn mực toàn cầu.
Đặc biệt trong mảng dữ liệu và cách chúng tôi làm sạch dữ liệu, điều đó giúp chúng tôi có thể triển khai Gen AI và các công nghệ hiện đại khác theo một cách rất khác với các ngân hàng có nhiều hệ thống cũ, bởi vì chúng tôi đã xử lý và loại bỏ tất cả những hệ thống cũ kỹ.
Ngay cả khi chúng tôi làm việc với các tên tuổi lớn nhất trong ngành, có thể nói rằng chúng tôi không cần phải sử dụng thông tin mà họ đưa vào hệ thống của mình, bởi vì tất cả thông tin đều đã được lưu trữ tập trung. Chúng tôi tự thực hiện mọi việc trên và chỉ cần kết nối với hệ thống của họ.
Điều này mang lại cho chúng tôi một sự hiểu biết tập trung duy nhất về khách hàng. Hiện tại, chúng tôi lưu trữ 5 tỷ điểm dữ liệu mỗi ngày và mỗi khách hàng được định nghĩa bởi khoảng 7.000 thuộc tính, con số này tăng lên hàng ngày. Tôi nghĩ rằng dữ liệu chính là nơi đã có sự thay đổi lớn nhất, và điều đó cho phép chúng tôi tạo sự khác biệt rõ rệt trong việc cá nhân hóa, cải thiện năng suất và nhiều thứ khác, thậm chí còn hơn cả công nghệ thông thường.
Tôi tò mò không biết ngân hàng đã vượt qua thách thức như thế nào trong việc đảm bảo có đủ lao động hoặc lao động có tay nghề cao để đáp ứng một số công việc và dịch vụ cao cấp mới mà Techcombank và toàn ngành nói chung đang yêu cầu trong giai đoạn hiện nay?
Rất trái ngược với một số đối thủ cạnh tranh khác, chúng tôi đã tổ chức các buổi Techcombank Overseas Talents Roadshow tới Sydney, Singapore, London, Thung lũng Silicon và cố gắng thu hút những người gốc Việt tài năng quay trở lại Việt Nam làm việc cùng Techcombank.
Về cơ bản, rất nhiều người trong số họ nói rằng họ rời Việt Nam vì chưa thể phát triển nhiều như mong muốn. Nhưng sau 10, 15 năm, khi đã làm việc ở Amazon hoặc Microsoft, Việt Nam hiện nay đã có cơ hội phát triển với mức tăng trưởng GDP vài phần trăm.
Vì vậy, chúng tôi cần phải đi đến những trung tâm tài chính công nghệ hàng đầu thế giới một cách có hệ thống, thực hiện các buổi roadshow và nói rằng có cơ hội thực sự cho bạn ở đất nước này nơi có doanh nghiệp hoạt động giống như những gì bạn đã thấy ở một số công ty bạn từng làm việc.
Chúc Techcombank thành công với những cách làm đột phá và sáng tạo. Cảm ơn ông đã dành thời gian tham gia cuộc phỏng vấn!