Thách thức mục tiêu mốc 65 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản

(ĐTTCO)-Với đà phục hồi xuất khẩu nhiều nhóm hàng và các giải pháp quyết liệt, ngành nông nghiệp kỳ vọng cán đích mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD, góp phần đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng cuối năm 2025 có thể chỉ đạt 31,6 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2024, tương đương mức sụt giảm khoảng 1,6 tỷ USD nếu chịu tác động bởi mức thuế đối ứng.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đang triển khai các biện pháp quyết liệt để duy trì xuất khẩu tại thị trường truyền thống đồng thời bổ sung các dòng sản phẩm phù hợp nhằm tăng trưởng tại các thị trường tiềm năng.

Mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD khả thi

Bất chấp những khó khăn và thách thức trong nửa đầu năm, toàn ngành nông nghiệp vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thặng dư thương mại đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% cho thấy sức cạnh tranh ngày càng tăng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong cơ cấu xuất khẩu, nông sản đạt kim ngạch 18,3 tỷ USD, tăng 16,8%; thủy sản đạt 5 tỷ USD, tăng 14,5%; lâm sản đạt 8,7 tỷ USD, tăng 8,8%; chăn nuôi đạt 264 triệu USD, tăng 10,1%.

Đặc biệt, có 9/11 nhóm mặt hàng chính duy trì được đà tăng trưởng, bao gồm: Càphê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, chăn nuôi, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ... Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Tuy nhiên, một số mặt hàng chủ lực lại ghi nhận xu hướng sụt giảm trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu gạo chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước; rau quả đạt 2,7 tỷ USD, giảm sâu 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là hai nhóm hàng cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng suy giảm kim ngạch trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết cơ cấu thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản đang có sự thay đổi rõ rệt. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tương đương nhau, lần lượt chiếm 21,8% và 21,6%. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ đạt 7,14 tỷ USD (21,1%), trong khi Trung Quốc giảm còn 5,94 tỷ USD (17,6%), Nhật Bản đạt 2,44 tỷ USD (7,2%)...

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, diễn biến này đòi hỏi điều chỉnh chiến lược xúc tiến và mở rộng thị trường phù hợp. Riêng với các mặt hàng như càphê, lúa gạo, trái cây, cá tra và tôm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tích cực xúc tiến để mở rộng thị trường, gần nhất là thỏa thuận với Brazil về thịt bò và triển vọng xuất khẩu cá tra, càphê, lúa sang thị trường tiềm năng này.

Mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2025 với mục tiêu cụ thể: Quý 3-2025 xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 14-15 tỷ USD và quý 4-2025 tận dụng nhu cầu tiêu thụ dịp lễ, Tết để đạt 16 tỷ USD trở lên.

Với đà phục hồi xuất khẩu nhiều nhóm hàng và các giải pháp quyết liệt, ngành nông nghiệp kỳ vọng hoàn thành mục tiêu 65 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân thương mại quốc gia và đảm bảo thu nhập bền vững cho nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đặt ra. Trong đó, trọng tâm là mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác tối đa ưu đãi từ 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cả song phương và đa phương.

Các mặt hàng có dư địa tăng trưởng mạnh như càphê, hạt điều, tôm, cá, trái cây đặc sản... sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng khuyến nghị tiếp tục khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Đông, ASEAN, Nam Mỹ.

Về chiến lược phát triển dài hạn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp kiên định nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, bảo đảm yếu tố công bằng xã hội và hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, công tác hoàn thiện thể chế đang được đẩy mạnh cũng sẽ tạo thuận lợi cho ngành nông nghiệp tăng trưởng. Chính phủ đã ban hành các nghị định về phân cấp quản lý và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang rà soát, tổng kết để đề xuất sửa đổi các luật chuyên ngành, hướng đến thể chế hóa các chủ trương mới, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hiệu quả hơn.

Các tin khác