Bán hàng từ MXH đến sàn
Từ giữa năm 2020, khi không còn làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế vì dịch bùng phát, chị Thu Hương (quận 3, TPHCM) chuyển qua kinh doanh online để kiếm sống. Ban đầu những mặt hàng mỹ phẩm chị bán chủ yếu trên MXH facebook, zalo và instagram, vì có người quen, bạn bè lâu nay ủng hộ.
Khi có thêm nhiều khách hàng mới, chị mở thêm cửa hàng online trên sàn TMĐT Shopee, giúp khách hàng có thể lựa chọn hình thức mua hàng trên nhiều kênh bán. Thực tế, rất đông người kinh doanh online hiện nay đều chọn hình thức đa kênh như vậy từ MXH đến sàn TMĐT.
Việc bán trên nhiều sàn là cách tăng doanh số hiệu quả cho người bán online, vì hàng tháng, hàng năm các sàn tung ra nhiều chương trình khuyến mại, kích thích người tiêu dùng mua sắm.
Năm 2021 ghi nhận làn sóng mới trên các sàn, khi nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua nông sản chọn sàn TMĐT là kênh tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam năm 2021 đã chỉ ra lượng người dùng mới từ các nền tảng TMĐT tại Việt Nam tăng trưởng hơn 41%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ngạc nhiên hơn, có tới 91% trong số đó quyết định tiếp tục sử dụng các nền tảng TMĐT này, kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch.
Trước đó, theo báo cáo của Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương), doanh thu TMĐT Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Lượng truy cập mua sắm trên sàn TMĐT tăng hơn 150% so với năm 2019. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng, với khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Cả nước hiện có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Chỉ tính riêng ngày mua sắm trực tuyến 2020 đã chốt thành công 3,7 triệu đơn hàng trong 60 giờ, tăng 267% so với ngày trung bình trong năm.
Một phân tích của GlobalData’s E-Commerce Analytic cho thấy doanh số TMĐT của Việt Nam sẽ tăng trưởng kép hàng năm, dự kiến năm 2024 đạt doanh thu 26,1 tỷ USD (khoảng 604.000 tỷ đồng).
Kinh doanh online trên nhiều nền tảng không chỉ giúp nhiều người có thu nhập vượt qua lúc khó khăn hiện nay, mà thực tế từ trước đó kinh doanh online có thể mang về thu nhập đáng kể cho người bán. Thế nhưng chuyện thu nhiều nhưng đóng thuế chẳng bao nhiêu lâu nay vẫn là bài toán khó cho các cơ quan quản lý.
Vì thế, nếu không có biện pháp thu thuế hữu hiệu, không chỉ ngân sách thất thu, còn gây ra bất bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, nhất là khi miếng bánh thị trường online đang ngày càng nở to hơn.
Có nghị định, thông tư, nhưng có hiệu quả?
Trước thực tế nhiều người thu nhập khủng từ kinh doanh online nhưng không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, cơ quan quản lý nhà nước đã có những biện pháp mạnh tay hơn. Đầu tiên phải kể đến Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, kể từ ngày 5-12, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Quy định mới này được kỳ vọng giúp hạn chế việc kê khai không đủ, trốn thuế của những người có nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời, đảm bảo sự bình đẳng giữa kinh doanh TMĐT và kinh doanh truyền thống. Thế nhưng ngay khi nghị định này có hiệu lực, người kinh doanh online, nhất là kinh doanh trên MXH, đã tung hàng loạt chiêu né thuế.
Mặc dù ngành thuế cho biết sẽ có phương án xử lý những chiêu thức né thuế này của người bán, song cho đến nay cũng chưa có thống kê cụ thể nào để biết được Nghị định 126 có thực sự hiệu quả trong việc thu thuế người kinh doanh online hay không.
Để tăng cường hiệu quả việc thu thuế người kinh doanh online, nhất là kinh doanh online trên các sàn TMĐT, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1-8 tới. Cụ thể theo quy định tại Thông tư 40, sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT.
Số thuế khai thay, nộp thay căn cứ theo thuế suất của từng lĩnh vực, ngành nghề áp dụng đối với cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ. Nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là giải pháp hiệu quả khi thực hiện thu thuế tại nguồn, người bán trên sàn sẽ hết cách né thuế.
Tuy nhiên, Thông tư 40 đang nhận được nhiều phản hồi về tính khả thi, cũng như việc có thể gây ra các tác động lớn đến sàn TMĐT và cả người kinh doanh trên sàn. Trong đó, điều các sàn băn khoăn nhất là việc khai thay, nộp thay thuế cho người kinh doanh. Việc này có thể tạo thêm gánh nặng cho các sàn và mâu thuẫn với một số quy định khác về TMĐT và thuế.
Tại hội thảo trực tuyến của Tổng cục Thuế ngày 15-6 vừa qua, đại diện Lazada cho biết Lazada hoạt động tại nhiều quốc gia, phân mềm ứng dụng được xây dựng thống nhất. Vì vậy để thay đổi các yếu tố kỹ thuật để phục vụ công tác phối hợp trong quản lý thuế cần có thêm thời gian. Đề nghị ngành thuế tính toán lại lộ trình và thời gian phù hợp.
Điều đáng nói, trong khi sàn TMĐT có quy định riêng, các kênh bán hàng online khác như MXH vẫn chưa có gọng kìm nào siết chặt hơn ngoài Nghị định 126. Liệu điều này có gây ra bất bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh online, đang là câu hỏi được đặt ra.
Nếu không có biện pháp thu thuế hữu hiệu, không chỉ ngân sách thất thu, còn gây ra bất bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, nhất là khi miếng bánh thị trường online đang ngày càng nở to hơn. |