Thuật ngữ tiếng Anh tương đương của cụm từ này là “anaphylaxis” được từ điển Oxford giải thích như một “phản ứng dị ứng cấp tính với một kháng nguyên mà cơ thể trở nên quá mẫn cảm”. Nhưng để hiểu định nghĩa này, chúng ta cần liên hệ đến khái niệm sinh học khác là kháng thể (antibody) và kháng nguyên (antigen). Kháng thể là những chất cơ thể con người tạo ra để chống lại sự thâm nhập của sinh vật bên ngoài. Còn kháng nguyên là bất kỳ chất nào kích thích hệ thống miễn dịch tạo kháng thể, thí dụ vi khuẩn, virus hoặc nấm gây nhiễm trùng và bệnh tật.
Ngoài những khái niệm nói trên, để hiểu rõ hơn về những rủi ro phát sinh khi tiêm chủng, chúng ta cũng cần lưu ý đến tính chất đặc thù chưa từng có của các loại vaccine ngừa Covid-19. Phần lớn vaccine được phát triển trong thời gian ngắn chưa đầy 1 năm nhưng được các cơ quan y tế phê duyệt không cần thử nghiệm lâu dài. Thêm nữa, các loại vaccine này sử dụng công nghệ tương đối mới, như Pfizer-BioNTech và Moderna được nhiều nước, trong đó có Singapore, chấp thuận và đưa vào tiêm chủng đại trà. Theo phương pháp phát triển vaccine truyền thống, 1 biến thể vô hại của virus được cấy vào cơ thể con người khiến hệ thống miễn dịch phát triển các kháng thể để chống lại sự lây nhiễm. Trong khi đó, công nghệ mới không có virus mà sử dụng RNA Thông tin (mRNA), tức những đoạn mã di truyền cực nhỏ thông báo cho cơ thể chúng ta phản ứng theo cách nhất định. Các mRNA này chứa thông tin về protein của virus corona và hướng dẫn cơ thể sản xuất các kháng thể để phản ứng lại bằng cách nào đó.
Theo các chuyên gia, đó là phương pháp thông minh khiến hệ thống miễn dịch trong cơ thể sản xuất ra các kháng thể bảo vệ, giúp hệ thống miễn dịch con người sẵn sàng làm điều đó khi “kẻ thù” xuất hiện. Nhưng cũng như các chất lạ khác được đưa vào cơ thể, luôn có nguy cơ khiến hệ thống miễn dịch phản ứng bất lợi. May mắn các thử nghiệm do Pfizer và Moderna thực hiện cho kết quả tốt hơn mong đợi, với nguy cơ tác dụng phụ rất thấp trong số những người được thử nghiệm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng những thử nghiệm này được theo dõi trong vòng chưa đầy 1 năm nên vẫn còn phải xem liệu điều tương tự có đúng trong thời gian dài hơn hay không.
Tại Singapore, an toàn của 2 loại vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna đang là mối quan tâm rất lớn của người dân. Trong vòng hơn 4 tháng kể từ khi đảo quốc Sư tử tiến hành tiêm chủng ngừa Covid-19 hàng loạt, đã có 20 trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng được gọi là “sốc phản vệ” (SPV), đã được báo cáo cho Cục Khoa học sức khỏe (HSA) thuộc Bộ Y tế Singapore (MOH). Theo công bố chính thức của HSA, các ca SPV này nằm trong số 95 trường hợp gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, HSA cho biết những tác dụng nghiêm trọng này rất hiếm, chỉ chiếm 0,004% trong số hơn 2,2 triệu liều được sử dụng.
Theo định nghĩa của HSA, tác dụng phụ là nghiêm trọng khi nó dẫn đến nhập viện, kéo dài thời gian nằm viện, giảm đáng kể khả năng hoạt động hoặc đe dọa tính mạng như SPV hoặc tử vong. SPV vẫn là mối quan tâm lớn nhất. Phản ứng thường xảy ra rất nhanh. Trong vòng vài phút sau khi chích, đối tượng được tiêm chủng bị sưng mặt, mắt và môi; đường thở có thể co thắt và cũng có khi bị buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Một số người có thể mất nhiều thời gian hơn để trải nghiệm điều này, và đó là lý do tại sao có quy định tất cả người được chích vaccine phải được quan sát trong 30 phút sau đó. Mỗi trung tâm tiêm chủng đều phải bố trí đội ngũ chuyên gia y tế túc trực.
Cho đến nay, tại Singapore tiêm chủng ngừa Covid-19 chưa phải là bắt buộc và người dân đảo Sư tử có quyền lựa chọn những loại vaccine hiện có. Một khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) cho thấy 2/3 người Singapore cho biết sẵn sàng tiêm chủng nếu được đề nghị, trong khi hơn một nửa (53%) nói họ nghi ngờ về tính an toàn của vaccine. Nhưng đó cũng không phải là thách thức của riêng Singapore, mà ở nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, nhiều tiểu bang hiện có hàng ngàn mũi tiêm chưa được sử dụng vì nhu cầu không tăng tương ứng. Điều này còn xảy ra ở nhiều nước có số ca nhiễm Covid-19 cao, khi nhiều người dân đã từ chối tiêm. Nói cách khác, số ca nhiễm gia tăng có thể không thuyết phục người dân tham gia tiêm chủng tích cực.
Một số quốc gia phát triển đã cố gắng khuyến khích người dân tiêm chủng bằng các ưu đãi khác nhau. Tại Mỹ, một số tiểu bang đã đưa ra các phần thưởng cho người dân được tiêm chủng. Ở New Jersey, cư dân có thể lấy phiếu chứng nhận đã chích vaccine và yêu cầu một cốc bia miễn phí từ các nhà máy bia tham gia chương trình khuyến khích tiêm chủng. Ở thành phố Detroit, những người tiêm chủng được nhận thẻ quà tặng trị giá 50USD, trong khi chính quyền Tây Virginia đưa ra trái phiếu tiết kiệm 100USD cho người 16-35 tuổi được tiêm chủng. Tiểu bang Ohio trao 5 giải thưởng trị giá hàng triệu USD cho người trưởng thành đã tiêm chủng.
Toàn thế giới cho đến nay đã có hơn 850 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 đã được thực hiện, trong đó Singapore có hơn 1 triệu người được tiêm liều vaccine Pfizer hoặc Moderna đầu tiên, hơn 500.000 người đã hoàn thành chế độ tiêm chủng đầy đủ. Thách thức đặt ra là phải thuyết phục những người chưa an tâm tiêm vaccine vì lý do này hay lý do khác, nhất là người lớn tuổi hay người bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch qua các mạng xã hội. Theo các nhà nghiên cứu, các chiến dịch tuyên truyền thông tin rất cần thiết để giải tỏa những nghi ngờ và xoa dịu lo lắng cho người dân. Các chương trình giáo dục cộng đồng tại các địa phương cũng giúp người dân hiểu rõ hơn về những gì họ được nghe, đọc hay tiếp cận qua báo chí hay phương tiện truyền thông.
Dù hiệu quả của các loại vaccine vẫn còn là dấu hỏi, nhưng một chương trình tiêm chủng toàn diện với rủi ro tử vong ở mức thấp nhất là tiền đề và cơ sở vững chắc cho cộng đồng hay quốc gia nào muốn chiến thắng đại dịch. Vaccine không phải là giải pháp cuối cùng mà là hàng rào bảo vệ bổ sung cho con người chúng ta, tương tự đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên.