Thận trọng TTCK phái sinh

(ĐTTCO) - Hôm nay (10-8), TTCK phái sinh (TTCKPS) sẽ chính thức vận hành bên cạnh thị trường cơ sở đã tồn tại hơn 17 năm. 

Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 5 trong khu vực cùng với Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan có TTCKPS và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này. Tuy nhiên, các đại diện cơ quan quản lý, thành viên thị trường đều cho rằng không nên quá kỳ vọng vào sự sôi động của thị trường ban đầu.

Tất cả đã sẵn sàng
Trong các cuộc họp với CTCK, UBCKNN luôn yêu cầu phải đảm bảo mức thanh toán cao nhất. NĐT không trả được phải đóng vị thế hoặc CTCK bỏ tiền ra. Có thể giai đoạn đầu NĐT ít nên rủi ro chưa đặt ra, nhưng khi NĐT tham gia nhiều, hợp đồng nhiều có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Do đó, các quản trị CTCK phải tuân thủ và nghiêm ngặt theo quy định. Nếu CTCK nào vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động ở cả TTCKPS lẫn TTCK cơ sở.
Ông Phạm Hồng Sơn
Phó Chủ tịch UBCKNN
Sản phẩm phái sinh đầu tiên được đưa vào giao dịch trên thị trường là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30, biên độ giao dịch +/-7%...
Mọi công tác chuẩn bị để TTCKPS khai trương và giao dịch đã cơ bản hoàn tất, đảm bảo thị trường có thể hoạt động minh bạch và an toàn. Cụ thể, theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), các quy định pháp lý, hệ thống giao dịch, bù trừ thanh toán đã được hoàn thành để có thể đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, an toàn.
7 CTCK được chấp thuận trở thành thành viên GDCK phái sinh của HNX và kết nối hệ thống GDCK phái sinh với HNX có: CTCK Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, CTCK TPHCM, CTCK Sài Gòn, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, CTCK VNDirect, CTCK Bản Việt, CTCK MB. Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam (VSD), cho biết số lượng tài khoản NĐT tham gia phái sinh đăng ký tại VSD đạt 1.300 tài khoản. Dự kiến trong thời gian ban đầu khi thị trường mở cửa, số lượng tài khoản NĐT tham gia phái sinh sẽ ở khoảng 2.000-2.500 tài khoản và có thể lên tới 3.000 tài khoản. 

Đề cập về công tác chuẩn bị của CTCK, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB, cho biết 90% tài khoản NĐT mở tại công ty hiện là tài khoản cá nhân, và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 300 tài khoản GDCK phái sinh. Do TTCKPS rất mới, nên từ năm 2016 công ty đã tổ chức các chương trình đào tạo nhân sự, khách hàng. Riêng đầu năm đến nay công ty triển khai trên 8 lượt đào tạo cho NĐT và môi giới.
“Sự phát triển của TTCKPS sẽ tăng dần đều cùng với sự phát triển và sự minh bạch của thị trường cơ sở và năng lực của NĐT tham gia thị trường” - ông Hà chia sẻ. Để hỗ trợ NĐT trong giai đoạn đầu của thị trường, VSD và HNX sẽ miễn thu phí trong 6 tháng đầu, các CTCK sẽ tự căn cứ trên tình hình thực tiễn để thu khách hàng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong 7 CTCK được làm thành viên bù trừ TTCK phái sinh, nhiều CTCK có chính sách hỗ trợ khuyến khích NĐT bằng cách miễn phí 3 tháng đầu. Về chính sách thuế, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), cho biết việc ưu đãi thuế đối với NĐT trên TTCKPS đã từng được đưa ra, nhưng do đây là thị trường mới, chưa thể đánh giá được tác động của việc thu ngân sách nên trước tiên để thị trường vận hành một thời gian, sau đó sẽ đánh giá và tính toán thuế suất hỗ trợ nếu có. Như vậy, chính sách thuế thu nhập vẫn được áp dụng như trên thị trường cơ sở.
Thận trọng TTCK phái sinh ảnh 1 Ảnh minh họa: L.THANH 
Kiểm soát rủi ro
Với đặc tính đòn bẩy cao (chỉ cần ký quỹ 10%) nên bên cạnh sự hấp dẫn, TTCKPS cũng đối mặt với những rủi ro. Theo ông Dương Ngọc Tuấn, giao dịch trên TTCKPS khác với thị trường cơ sở về tính trách nhiệm các bên tham gia. Trên thị trường cơ sở, CTCK cung cấp dịch vụ nên nếu NĐT mất khả năng thanh toán CTCK sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng trên TTCKPS, CTCK (nếu là thành viên giao dịch và bù trừ) sẽ chịu trách nhiệm trước VSD, giao dịch của NĐT và của chính mình với nghĩa vụ giao dịch của NĐT. Đó là lý do tại sao tiền ký quỹ CTCK phải được nộp trước vì đòn bẩy cao bởi họ chỉ cần ký quỹ 10% nhưng được giao dịch 100%.  Về nhận diện và phòng tránh rủi ro, thứ nhất do thị trường mới nên chưa biết quản lý, tổ chức vận hành ra sao, NĐT cũng chưa hiểu rõ. Rủi ro thứ hai là về thanh toán. VSD, CTCK, NĐT đều phải chịu trách nhiệm. Nếu 1 mắt xích gặp rủi ro thì rủi ro chung là lớn. Rủi ro tiếp theo là tác động đến TTCK cơ sở, vì hợp đồng tương lai hình thành từ TTCK cơ sở.
TTCKPS là thị trường có rủi ro cao, do đó quan điểm chung của UBCKNN là đi từng bước, chắc chắn, vừa làm vừa xem xét và đánh giá lại để TTCKPS không ảnh hưởng ngược lại TTCK cơ sở và làm sao để 2 thị trường cùng phát triển.

Để phòng ngừa rủi ro, theo quy định CTCK muốn tham gia phải có vốn 1.000 tỷ đồng và phải đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính. Hiện nay có dưới 20 CTCK đảm bảo vấn đề vốn, nhưng nhiều công ty lại không đủ chỉ tiêu an toàn tài chính. Việc CTCK không tham gia TTCKPS ban đầu do CTCK, UBCKNN không hạn chế”.
Về vấn đề vị thế (mua, bán) của NĐT cá nhân giới hạn ở mức 5.000, ông Dương Ngọc Tuấn cho rằng TTCKPS có nhiều điểm khác biệt so với TTCK cơ sở là không giới hạn số lượng hàng giao dịch, mà tùy theo nhu cầu thị trường, tài chính của NĐT. Với TTCKPS, thông lệ các nước có ngưỡng kiểm soát quy mô giao dịch, điều kiện thị trường và hướng tới đảm bảo quản lý rủi ro tốt, tránh xu hướng NĐT không kiểm soát được hành vi giao dịch, vượt quá khả năng tài chính, ảnh hưởng đến bản thân và thị trường. Vì vậy, việc giới hạn vị thế được đưa ra nhằm kiểm soát chặt rủi ro.

Các tin khác