Trên quan điểm thận trọng, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ việc bổ sung "cá nhân" vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP.

Sáng 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (dưới đây gọi là dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 7 luật).
Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này nêu rõ, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ đã rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và đã xác định 7 luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Trong số các nội dung được sửa đổi, bổ sung, đáng lưu ý là phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh theo hướng chỉ áp dụng đối với dự án của DNNN có sử dụng trên 50% vốn ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án.
Đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng dưới 50% vốn ngân sách và các dự án đầu tư khác, doanh nghiệp nhà nước tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Dự thảo cũng cho phép đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu khi thực hiện hoạt động đấu thầu không sử dụng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị này.
Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), dự thảo luật bổ sung quy định cho phép cá nhân được là nhà đầu tư được tham gia dự án PPP; cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình; bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án PPP khi thương mại hoá sản phẩm khoa học, công nghệ không hiệu quả.
Các trường hợp chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt cũng được mở rộng hơn, cụ thể là bổ sung trường hợp chỉ định đối với nhà đầu tư đề xuất dự án sở hữu công nghệ chiến lược; nhà đầu tư có cam kết tài chính; áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án khoa học công nghệ; đồng thời phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương được chủ động quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư (trong đó có hình thức chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt) để phù hợp với tính chất, quy mô, thực tiễn triển khai, đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.
Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nhận định, quy định “chỉ áp dụng đấu thầu đối với dự án của DNNN có sử dụng trên 50% vốn ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án” giúp tăng tính tự chủ, giải phóng nguồn lực cho DNNN, nhưng cần làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn, tiêu chí xác định tỷ lệ 50% và đánh giá tác động chính sách. Bên cạnh đó, đây là thay đổi chính sách lớn, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về nội dung cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là nội dung sửa đổi lớn và được bổ sung sau khi hồ sơ luật được Bộ Tư pháp thẩm định. “Đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình, đánh giá kỹ về tác động chính sách để UBTVQH, Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định”, ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Các nội dung về chỉ định thầu, chuyển nhiệm vụ của “bên mời thầu” trong lựa chọn nhà thầu sang chủ đầu tư và tổ chuyên gia, ưu đãi trong đấu thầu, cho phép chủ đầu tư được lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bổ sung “phương pháp đánh giá dựa trên kỹ thuật”, đấu thầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đơn vị sự nghiệp công lập... cũng được sửa đổi theo hướng tăng tự chủ, tinh giản thủ tục, quy trình, nhưng cần bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc, tác động chính sách và hoàn thiện quy định chi tiết để bảo đảm hiệu quả thực thi và tránh tiêu cực phát sinh trong đấu thầu.
Trên quan điểm thận trọng, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc kỹ việc bổ sung cá nhân vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP, do hồ sơ dự án luật chưa làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, và đánh giá tác động đầy đủ về tính khả thi trong việc kiểm soát trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính và năng lực triển khai dự án của cá nhân trong mô hình PPP.