Tăng cường đầu tư dịch vụ
Kết thúc năm 2018, ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc MoMo chia sẻ MoMo đã có một năm với nhiều chuyển biến ngoạn mục khi số lượng giao dịch và số khách hàng đăng ký sử dụng đạt mức lớn nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, MoMo đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng, khối lượng giao dịch tăng hơn gấp 3 lần. Sự tăng trưởng này nhờ vào việc gọi vốn đầu tư thành công ở vòng thứ 3, từ Warburg Pincus, một CTCP tư nhân hàng đầu toàn cầu và là nhà đầu tư cổ phần tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. Với nền tảng đó, MoMo tiếp tục hướng đến mục tiêu gia tăng thị phần, giữ vững vị trí siêu ứng dụng VĐT số 1 tại Việt Nam.
Trong khi đó, từ mục tiêu là trở thành công cụ thanh toán chính cho nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam, Payoo dần mở rộng các hướng đi mới như phát triển nền tảng thanh toán các hóa đơn tiện ích, liên tục ứng dụng các công nghệ mới, đưa ra những dịch vụ mới dành riêng cho NH, như dịch vụ trả góp 0% qua thẻ tín dụng, kết nối mở rộng điểm chấp nhận thanh toán QR Code thông qua các ứng dụng của các NH.
Đây được xem là VĐT thành công trong việc thanh toán dịch vụ hành chính công, cũng như các dịch vụ thanh toán giáo dục, y tế, bảo hiểm… khi đạt hàng chục triệu khách hàng thanh toán hóa đơn tiện ích. Năm 2018, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt khoảng 3 tỷ USD.
Với nền tảng tương đương 60% người đi làm có tài khoản NH và smartphone, cơ hội phát triển TTKDTM nói chung và thanh toán di động nói riêng không hề nhỏ. Do vậy, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại cần được bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế, và sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin - viễn thông. |
Trong năm 2018, Sacombank ra mắt hệ thống NH điện tử phiên bản mới (Sacombank eBanking) cho 2 kênh internet banking, mobile banking và ứng dụng tài chính Sacombank Pay. Mới đây, NH cũng hợp tác với JCB triển khai phương thức thanh toán bằng mã QR thay cho phương thức quẹt thẻ truyền thống.
LienVietPostBank cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm Ví Việt thông qua việc bổ sung thêm các dịch vụ NH, như gửi tiết kiệm online và vay cầm cố tiền gửi, phát hành thẻ trả trước quốc tế vô danh phi vật lý, cho vay tiêu dùng tín dụng hưu trí…
Trong khi đó, Agribank cạnh tranh thanh toán điện tử bằng cách cập nhật ứng dụng Agribank E-Mobile Banking phiên bản mới 3.0, cũng như phương thức xác thực Soft OTP (mã OTP tự hiển thị trên ứng dụng khi giao dịch) bổ sung tính năng lì xì - gửi tiền mừng, đáp ứng nhu cầu mừng tuổi năm mới và các dịp cần gửi tiền mừng cưới, sinh nhật, gửi tặng người thân, bạn bè…
SeABank cũng không chịu ngồi yên khi liên kết với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), giúp khách hàng có tài khoản thanh toán tại NH có thể liên kết và sử dụng các dịch vụ thanh toán trên VĐT VNPT Pay. Còn SHB liên kết với Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HN) triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện…
Tiềm năng rất lớn
Tiềm năng rất lớn
Trước đây, thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam chưa thực sự phát triển. Theo các thống kê về thị trường thẻ NH, tổng doanh số thanh toán thẻ chỉ chiếm khoảng 6% chi tiêu của người dân. Có tới 6/7 giao dịch với thẻ NH ở máy ATM, chủ yếu để rút tiền mặt.
Số máy POS vẫn còn ít, với khoảng 300.000 máy trên tổng 65 triệu người lớn (15-64 tuổi). Trong khi đó, thương mại điện tử Việt Nam còn ở quy mô rất nhỏ (chỉ khoảng trên dưới 1% chi tiêu của người dân), và phần lớn giao dịch được thanh toán bằng hình thức COD (giao hàng thu tiền).
Tuy nhiên, tình hình này đang thay đổi rất nhanh. Nhiều NH, đặc biệt là các nhà băng lớn, đã bắt đầu triển khai các hình thức thanh toán điện tử mới với điện thoại di động. Hơn 20 công ty fintech làm thanh toán điện tử đã được NHNN cấp phép chính thức. NHNN còn thành lập Ban chỉ đạo về fintech, nhằm hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy fintech phát triển.
Thực tế, NHNN đang rất cởi mở tiếp thu đóng góp để hoàn thiện các phương thức TTKDTM, từ cách thức hoạt động, quản lý đến đảm bảo an toàn bảo mật. Song bên cạnh ghi nhận ý kiến từ các thành viên, có thể nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm các nước có điều kiện tương đồng đã triển khai thanh công để rút ngắn quá trình này.
Chẳng hạn, Indonesia có 21 đơn vị vận hành các loại VĐT. Để tận dụng VĐT làm kênh phân phối, năm 2015 Chính phủ Indonesia đã ban hành luật về tài chính vi mô và NH không chi nhánh, quy định NH có thể thuê cá nhân hoặc tổ chức hợp pháp cung cấp các dịch vụ tiết kiệm và cho vay vi mô cho những người không có tài khoản NH, hoặc hay sử dụng tiền mặt để tích hợp dịch vụ giải quyết tình trạng này.
Còn NH Trung ương Ấn Độ từ năm 2016 đã nới lỏng nhiều quy định liên quan tới thanh toán di động, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ hình thức này, thông qua việc cho phép thêm nhiều công ty tham gia thị trường, cũng như xây dựng hệ thống thanh toán mới kết nối số chứng minh thư, số điện thoại và tài khoản NH của người dân.
Hay trước bùng nổ nhờ mã QR, NH Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán tham gia liên minh thanh toán internet phi NH mang tên Wanglian. Qua đó có thể kiểm soát tất cả kênh thanh toán với dữ liệu liên quan, nhằm tránh các hành vi đánh cắp tài sản, rửa tiền, đồng thời thiết lập một cơ chế tài chính an toàn cho người dùng.
Một số nước như Australia, Malaysia cũng thành lập các trung tâm để startup công nghệ, cung cấp nguồn tài trợ từ NH, quỹ đầu tư mạo hiểm kèm theo chính sách miễn thuế 10 năm để các công ty fintech có điều kiện phát triển, tạo sức bật mới cho TTKDTM.