Tháo gỡ điểm nghẽn thị trường địa ốc

(ĐTTCO) - Hàng loạt khó khăn về thủ tục, chính sách đầu tư, kinh doanh dự án nhà ở được doanh nghiệp (DN) phản ánh tại cuộc gặp gỡ Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chiều 7-11. Theo các DN nếu không tháo gỡ kịp thời những bất hợp lý này, môi trường đầu tư kinh doanh của TP sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

7 điểm nghẽn cần tháo gỡ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho biết trong 10 năm qua thị trường BĐS đan xen các giai đoạn thăng - trầm - khủng hoảng - phục hồi - tăng trưởng. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2016, thị trường đã có biểu hiện sụt giảm, đến năm 2017 phục hồi và tăng trưởng nhẹ 4,07%.
Tuy nhiên, trong 10 tháng qua thị trường BĐS cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Riêng thị trường TPHCM sụt giảm rất rõ nét. Theo đó, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án với 23.759 căn nhà so với 9 tháng của năm nay và 2017 sụt giảm lần lượt 11,1% và 39,2%. 
 Đây là cuộc gặp gỡ do tôi đề xuất từ thực tế nhận thấy các DN BĐS đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Chính quyền TP muốn lắng nghe phản ánh từ DN, trong thẩm quyền của TP sẽ giải quyết ngay, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay Quốc hội, TP sẽ đề xuất tháo gỡ. 
Ông Nguyễn Thành Phong,
Chủ tịch UBND TPHCM
 
Theo ông Châu, thị trường BĐS hiện đang có 7 điểm nghẽn. Thứ nhất, về chủ trương đầu tư, theo Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở DN phải "nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại". Quy định này mâu thuẫn với Điều 169 và Điều 191 Luật Đất đai quy định tổ chức kinh tế "được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân", trong "trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".
Việc cơ quan nhà nước không giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp DN đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án BĐS, đã dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dự án, sản phẩm nhà ở. Nhiều DN đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay cao, bị rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí có nguy cơ phá sản. 
Tháo gỡ điểm nghẽn thị trường địa ốc ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ngày càng khó khăn do DN khó đạt được thỏa thuận với người sử dụng đất, không triển khai dự án được, bị chôn vốn kéo dài.
Thứ ba, tiền sử dụng đất theo phương thức và quy trình tính tiền sử dụng đất hiện nay vẫn là ẩn số, là gánh nặng tạo ra cơ chế xin-cho, làm quá trình tính tiền sử dụng đất dự án bị kéo dài, gây khó khăn, thiệt hại cho DN và làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thứ tư, nghẽn chuyển nhượng dự án. Hiện nay, nhu cầu chuyển nhượng dự án rất lớn, trong đó có nhiều dự án đã được thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tín dụng, kể cả các khoản nợ xấu ngân hàng. Trong khi đó, theo các quy định pháp luật hiện hành, chủ đầu tư phải GPMB và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được chuyển nhượng dự án.
Thứ năm, chưa có quy định về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), dẫn đến tình trạng các dự án BT bị treo, gây khó khăn cho nhà đầu tư và lúng túng cho cơ quan nhà nước.
Điểm nghẽn thứ sáu là tín dụng đối với đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội (NoXH) sau khi kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay gần như vẫn chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách NoXH theo Luật Nhà ở 2014. Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được cấp vốn ngân sách 500 tỷ đồng để thực hiện, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ chi hết 1.000 tỷ đồng.
Thứ bảy, dù Chính phủ đã thúc đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính và kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, nhưng trên thực tế vẫn rất nhiêu khê, một số cán bộ, công chức nhà nước có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, co thủ, không dám đề xuất vì sợ trách nhiệm, dẫn đến việc thẩm định, phê duyệt dự án của DN bị gây khó, hồ sơ bị chuyển lòng vòng, tốn nhiều thời gian và chi phí, làm mất cơ hội kinh doanh. Hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng điều chỉnh thị trường BĐS vẫn còn rất nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. 

TP sẽ giải quyết thỏa đáng kiến nghị của DN
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh Corp, đề nghị hoàn trả 50% tiền ký quỹ cho DN theo quy định, đồng thời kiến nghị UBND TP tháo gỡ ách tắc về việc cấp sổ đỏ cho người nước ngoài mua nhà tại dự án.
Đại diện CTCP BĐS Sơn Kim, phản ánh vướng mắc về việc tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm của dự án. Đây cũng là vướng mắc chung của tất cả dự án có diện tích chiếm đất của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng. Đại diện Công ty Novaland đề xuất TP xem xét cho triển khai  tiếp một số dự án bị ngưng trệ lâu nay cũng như xin tạm tính tiền sử dụng đất các dự án đã hoàn thành…
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã giải quyết ngay một số kiến nghị thuộc thẩm quyền của TP, như các kiến nghị của Công ty Bình Dân, Công ty Phú Long, Công ty Lê Thành. Những nội dung liên quan đến việc thực hiện chủ trương đầu tư dự án ông Phong cho biết sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ để tháo gỡ, những vấn đề liên quan đến sửa luật đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội phản ánh với Quốc hội để xem xét lại các luật liên quan.
Ông Phong đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cùng với Giám đốc Sở Xây dựng giao ban hàng quý với HoREA để lắng nghe tháo gỡ khó khăn cho DN.

Các tin khác