Đây là nội dung được trao đổi tại Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức.
Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg).
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, sau gần 4 năm triển khai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục phát triển tích cực; cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường, thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh.
Tuy vậy, ông Vũ Tiến Lộc cũng nhận định, mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỉ lệ sử dụng tiền mặt còn cao.
Dẫn chứng thông tin từ Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, ông Lộc cho biết, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Ở góc độ doanh nghiệp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng cũng chưa thực sự phổ biến.
Về môi trường pháp lý, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành là lực cản thu hút các khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối doanh nghiệp.
Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa bảo đảm...
Trước thực trạng nói trên, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cần có những nỗ lực mới cả ở tầm chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển TTKDTM ở Việt Nam nói chung và TTKDTM trong doanh nghiệp nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình (Viện Chiến lược và chính sách tài chính) cho rằng, các dịch vụ đi kèm như hóa đơn điện tử, chữ ký số… còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, trong 4 năm qua, NHNN đã tích cực triển khai Đề án TTKDTM và đạt một số kết quả nổi bật.
Liên quan đến hoạt động thanh toán, NHNN trình Chính phủ ban hành 3 nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; về phòng, chống rửa tiền; về xử phạt vi phạm hành chính. NHNN cũng đã ban hành nhiều Thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, hoạt động TGTT, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, phí dịch vụ thanh toán; ban hành Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa nhằm tránh nguy cơ thị trường thẻ Việt Nam trở thành vùng trũng về an ninh, an toàn thanh toán thẻ…
Về phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, NHNN và các TCTD đang chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán.
“Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên; đến cuối tháng 6 năm 2020 đã đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019). Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và tạo điều kiện mở rộng dịch vụ TTKDTM”, ông Lê Anh Dũng nói.
Đáng chú ý, ngày 9/12/2019, Chính phủ đã khai trương, đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến, qua đó cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng tài khoản mở tại các ngân hàng, tổ chức TGTT để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Theo ông Lê Anh Dũng, bên cạnh kết quả đạt được, TTKDTM còn một số tồn tại, thách thức trong phát triển như cơ chế, chính sách…
Đồng thời, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử.
Với thực tế và những tồn tại, thách thức nêu trên, đại diện NHNN nêu một số giải pháp như, tiếp tục nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, đặc biệt là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về TTKDTM; thúc đẩy phát triển hạ tầng thanh toán; hoàn thành kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam theo Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; triển khai Tiêu chuẩn cơ sở QR Code rộng khắp.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cho biết, 5 năm trở lại đây TTKDTM ở Việt Nam phát triển khá nhanh, tuy nhiên hiện còn nhiều việc phải làm từ hạ tầng kỹ thuật, quản lý, hệ thống an toàn, quan trọng nhất vẫn là thói quen của người tiêu dùng.
Để cạnh tranh, LienVietPostBank đang phát triển ứng dụng TTKDTM như xây dựng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán số,... Ngoài phát triển công nghệ, mạng lưới, số lượng người dùng, LienVietPostBank cũng đẩy mạnh kinh doanh hợp tác với các thành phố, trường học, bệnh viện,… để tăng khách hàng cũng như mạng lưới TTKDTM.
Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, TTKDTM là vấn đề quốc tế và thời đại. Chúng ta không thể mãi thanh toán tiền mặt. Một số hoạt động như mua sản phẩm, dịch vụ, đóng tiền học khi du học nước ngoài, mua hàng hóa ở nước ngoài,... không thể không dùng thanh toán qua ngân hàng. Đại diện CIEM góp ý, hiện nay văn bản pháp lý về TTKDTM chưa đầy đủ, hạ tầng kỹ thuật, lưu lượng phát triển chưa đạt mục tiêu.
Đại diện CIEM kiến nghị cần nâng cấp hệ thống hạ tầng, bao gồm cả hệ thống cứng và hệ thống mềm; nâng cao năng lực hệ thống bảo mật; lệ phí phải đủ hấp dẫn người dùng; đồng bộ thường xuyên, liên tục các giao dịch và hoạt động của hệ thống ngân hàng qua internet banking; bảo đảm niềm tin cho khách hàng rằng dùng dịch vụ ngân hàng tốt hơn là không dùng dịch vụ ngân hàng.
“Quan trọng là cần nâng cao niềm tin người dùng, trong đó, trước hết người dân và ngân hàng cần chung tay và ứng xử tốt nhất có thể”, ông Trần Kim Chung nói.