Có 3 khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đó là: khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định điều kiện hỗ trợ là có khả năng phục hồi; và một số hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Về điều kiện “có khả năng phục hồi”, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 31, quy định: khách hàng “có khả năng phục hồi” là khách hàng đáp ứng các điều kiện cho vay của NHTM theo quy định hiện hành.
Theo lý giải của NHNN, nếu hướng dẫn “có khả năng phục hồi” theo các tiêu chí khác như: doanh thu, sản lượng, lợi nhuận hay diễn biến, chiều hướng kinh doanh của doanh nghiệp… thì cũng không giải quyết được căn cơ vướng mắc vì nhiều khách hàng không dám khẳng định phục hồi trong bối cảnh hiện nay. Trường hợp xây dựng theo các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì ngân hàng, khách hàng e ngại sẽ bị cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách. Riêng 2 vướng mắc còn lại, dự thảo chưa đưa ra hướng xử lý!
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán một phần là do các quy định tại Nghị định 31 chưa thực sự rõ ràng. Nghị định mới chỉ quy định theo hướng NHNN, tổ công tác liên ngành có quyền kiểm tra khoản vay được hỗ trợ lãi suất và tổ công tác liên ngành làm việc theo quy chế do NHNN ban hành. Tuy nhiên, hiện nay, NHNN chưa ban hành quy chế và cũng chưa có quy định cụ thể hơn để các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng hoạt động kiểm tra không phát sinh chi phí quá mức cần thiết cho doanh nghiệp. Để minh bạch, rõ ràng, giúp loại bỏ tâm lý e ngại của khách hàng, VCCI đề nghị quy định nguyên tắc hoạt động kiểm tra của NHNN và tổ công tác không chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng; hoạt động kiểm tra được tiến hành chủ yếu tại các NHTM và chỉ khi việc kiểm tra tại NHTM phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì mới kiểm tra khách hàng với mục tiêu chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.
Về vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, hiện nay, Nghị định 01/2021/NĐ-CP (về đăng ký doanh nghiệp) đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Nghị định 31 lại yêu cầu hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất. Quy định này vô hình trung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực phát triển tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động hiện nay. Do đó, NHNN cần nghiên cứu phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh.