Hiện khó thu thuế với các hoạt động TMĐT là do các quy định pháp lý chưa đầy đủ, năng lực cán bộ thuế không theo kịp xu hướng phát triển công nghệ.
PHÓNG VIÊN: - Luật sư có thể nói rõ hơn những vướng mắc trong thu thuế TMĐT hiện nay là do đâu?
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Tôi cho rằng những khó khăn trong thu thuế giao dịch TMĐT thời gian qua xuất phát từ năng lực, phương pháp thu và cả khung pháp lý về thuế chưa theo kịp thực tiễn. Với các giao dịch TMĐT trong nước và toàn cầu có thể chia làm 2 loại.
Thứ nhất là hàng hóa và dịch vụ sản phẩm Việt Nam, đây là lỗi lớn thuộc về các cơ quan chức năng. Chẳng hạn như Agoda, Booking, Expedia… họ cho thuê phòng online tại nhiều khách sạn tại các TP du lịch nổi tiếng Việt Nam như Phan Thiết, Nha Trang, đảo Phú Quốc…
Đây là những hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam, nếu như họ mua cả gói và đóng thuế tại nước sở tại, thì các đối tác Việt Nam phải đóng thuế thay nhà thầu. Họ chỉ kinh doanh giải pháp công nghệ, giống như Uber, Grab để hưởng hoa hồng chênh lệch khoảng 20% tùy theo thỏa thuận. Và như vậy các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể thu thuế khoán giống như Grab, Uber trong thời gian qua. Đây là loại hình DN nên việc truy thu thuế sẽ dễ hơn đối với truy thu thuế với cá nhân kinh doanh trên mạng.
Trường hợp thứ 2 là họ bán hoàn toàn ra nước ngoài như chơi cá độ bóng đá, tiền ảo, hay quảng cáo trên Google, Facebook mà sản phẩm không liên quan gì đến Việt Nam thì đúng là khó thu. Trường hợp này cần phải quản bằng đồng tiền thanh toán, kênh chuyển tiền ra nước ngoài. Tất nhiên đây là với cá nhân thực hiện giao dịch TMĐT, còn trường hợp là tổ chức, DN Việt Nam muốn quảng cáo trên Google, Facebook thì theo quy định hiện hành đương nhiên phải nộp thuế thay rồi, nếu không nộp thì không thể hợp lý chi phí.
Theo tôi, việc quản lý thuế với giao dịch TMĐT còn dễ hơn quản các dịch vụ khác, bởi giao dịch bình thường khác cơ quan thuế phải soi từng hóa đơn, chứng từ, xem DN, hộ kinh doanh có khai hay không khai, khai nhiều hay ít. Còn với giao dịch TMĐT thường các phần mềm dữ liệu sẽ ghi lại hết chứ không phải thích là chuyển được. Bởi mọi hoạt động chuyển tiền cho Google, Facebook đều qua kênh trung gian là các ngân hàng, trường hợp họ chuyển bằng tiền ảo thì không quản lý được.
- Luật sư thấy việc DN Việt phải nộp thay cho các nhà thầu nước ngoài như Booking, Agoda, Google, Facebook có hợp lý không?
- Các nhà thầu nước ngoài đều có lý của họ, bởi không có cách gì thu được họ khi họ đang ở bên kia biên giới. Điều này buộc phải tính vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, và DN trong nước phải nộp thay. Thực tế tình trạng nộp thay thuế cũng rất nhiều, thí dụ thuế VAT DN phải nộp thay cho người tiêu dùng, suy cho cùng họ cũng tính vào giá hết thôi. Hay nếu giá phòng 1 triệu đồng trong đó đã có thuế nhà thầu rồi.
Thuế nhà thầu bao gồm nhiều thứ thuế, trong đó gồm nhiều loại thuế mà không bóc tách được, gồm thuế xuất khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập… nó giống như thuế hộ kinh doanh hiện nay. Đây là cách tính thuế khoán, tính vo, tính cả gói giống như Uber, Grab hiện nay. Hoạt động TMĐT xuyên biến giới có những đặc thù như vậy, đôi khi không bóc tách rạch ròi ra được.
- Bộ Tài chính đang đề xuất các ngân hàng làm thủ tục chiết khấu thuế luôn khi thanh toán, chuyển tiền, ông thấy đề xuất này có phù hợp?
- Đây là một giải pháp khả quan, bởi mọi thanh toán giữa các ngân hàng trong nước đều phải qua NHNN. Có thể về danh nghĩa các ngân hàng thanh toán với nhau nhưng đều vòng qua một cổng kiểm soát của NHNN.
Thực tế trong lịch sử đã có thời kỳ ngành thuế và các ngành khác ủy nhiệm cho ngân hàng thu thuế như tiền điện, tiền nước. Thu thuế ngân sách qua ngân hàng nhiều khi tốt hơn cách thu của ngành thuế, hệ thống ngân hàng hiện nay vốn có công nghệ, thiết bị rất tốt, nên họ thu thì quá ổn về nhiều thứ.
- Từ trường hợp truy thu thuế hộ kinh doanh online 9,1 tỷ đồng tại TPHCM, ông có nhận thấy ngành thuế đang thiếu giải pháp để thu thuế hiệu quả trên diện rộng?
- Một trong những bất hợp lý làm khó ngành thuế hiện nay là chúng ta đang duy trì mô hình hộ kinh doanh, đã kinh doanh chuyên nghiệp phải là DN, còn quản lý thế nào là do mình. Hơn nữa các quy định về TMĐT hiện nay chậm thay đổi.
Nhưng dù sao hộ kinh doanh trên mạng còn quản lý được, còn hộ kinh doanh truyền thống hiện nay nhiều khi họ vẫn tha hồ trốn thuế vì ta duy trì cơ chế thuế khoán rất thấp với hộ kinh doanh, nó không bắt buộc, không chặt chẽ, nên dễ xảy ra tình trạng hộ kinh doanh doanh thu cả trăm tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế khoán hộ kinh doanh tháng 1-2 triệu đồng.
Ở góc nhìn này thấy được việc truy thu thuế với hoạt động kinh doanh qua mạng đơn giản, minh bạch hơn nhiều lần so với hộ kinh doanh truyền thống. Mọi hoạt động kinh doanh qua mạng đều công khai, đa số lại được thanh toán qua hệ thống ngân hàng nên dễ thu. Nếu giao tiền mặt rất khó kiểm soát, ở đây có thể thấy nhờ có Facebook, Google mà cơ quan quản lý có thêm “tai mắt” để thu thuế. Giống như quản lý thuế Uber, Grab dễ hơn quản lý thuế các hãng taxi truyền thống rất nhiều.
- Ông có khuyến nghị gì đối với chính sách thuế áp dụng cho các giao dịch TMĐT?
- Cần khuyến khích hoạt động TMĐT phát triển, bởi hoạt động TMĐT cực kỳ minh bạch, rạch ròi, phải đăng ký lập trang web, phải được Bộ Công Thương cấp phép quản lý dễ hơn. Còn việc bán hàng trên Facebook nó không phải là giao dịch TMĐT, trên thực tế nó chỉ là kênh để quảng bá, bán hàng, để người mua và người bán trao đổi thông tin.
Còn biện pháp quản lý nên tập trung vào cái gốc là hoạt động TMĐT, kinh doanh trên mạng. Ở đây quản lý cần tập trung vào dòng tiền, như yêu cầu thanh toán qua cổng thanh toán quốc gia Napas, còn thực tế Facebook là một kênh giúp cơ quan quản lý giám sát hoạt động kinh doanh để thu thuế thôi.
- Xin cảm ơn ông.
Nhìn chung tất cả hoạt động chuyển tiền kể cả trong nước, ngoài nước đều phải thông qua ngân hàng, mà về nguyên tắc cơ quan thuế hoàn toàn có quyền yêu cầu các ngân hàng cung cấp các thông tin về tài khoản khách hàng khi cần, và có thể dễ đàng đối chiếu doanh thu thực tế của DN, của cá nhân, tổ chức so với mức kê khai. Công nghệ càng cao càng đơn giản, càng dễ quản lý, vấn đề cần cải thiện năng lực của cán bộ thuế. |