Thay đổi, tăng tính hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

(ĐTTCO) - Ra đời trong bối cảnh Việt Nam chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được kỳ vọng sẽ làm thay đổi, tăng tính hiệu quả của DNNN.
Hơn 16 năm hoạt động, SCIC đã khẳng định được vai trò quan trọng là tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN; thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại DN đã tiếp nhận.
Thay đổi, tăng tính hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ảnh 1 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho SCIC. Ảnh: QUANG PHÚC
Chuyên nghiệp trong vai trò cổ đông lớn
Ông Mai Xuân Phong, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) cho biết, sau khi nhận bàn giao phần vốn Nhà nước, SCIC cùng với Seaprodex tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường của Seaprodex vào tháng 10-2018. Đại hội đã bầu ra 3 thành viên HĐQT là cán bộ SCIC, 1 phó tổng giám đốc biệt phái làm việc chuyên trách, 1 thành viên ban kiểm soát.
HĐQT và ban điều hành đã quyết liệt kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động, sắp xếp, tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo, chuyên viên tại các phòng, ban, chi nhánh theo định hướng tinh gọn, hiệu quả, gắn bó, thân thiện và đoàn kết. 
SCIC đã chỉ đạo để thực hiện sửa đổi điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế nội bộ về quản trị của Seaprodex; rà soát và sửa đổi, ban hành các quy chế về quản lý tài chính, quy chế quản lý người đại diện… phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Seaprodex. SCIC đã chỉ đạo các phòng, ban tham mưu phối hợp với Seaprodex để hoàn thành đề án tái cơ cấu Seaprodex. 
Từ những giải pháp quyết liệt trên, Seaprodex đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi chỉ tiêu lợi nhuận từ lúc chuyển giao đến nay đều có sự tăng trưởng hàng năm, đặc biệt là việc đạt được lợi nhuận đột biến trong năm 2021 vừa qua.
Tương tự, tại Tổng công ty Sông Đà, ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT cho biết, sau khi nhận bàn giao vốn, SCIC đã kịp thời rà soát tình hình hoạt động, nhận diện các vấn đề tồn tại trong hoạt động của Sông Đà từ đó định hướng, chỉ đạo các mặt hoạt động chính của Sông Đà; chỉ đạo rà soát, phê duyệt định hướng chiến lược và kế hoạch hàng năm phục vụ cho công tác quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. 
SCIC đã cùng Sông Đà làm việc với các tổ chức tín dụng cho phép cơ cấu các khoản nợ đến hạn; hỗ trợ Sông Đà báo cáo Bộ Tài chính cho phép tái cấu trúc các khoản đầu tư trong khi Sông Đà hoàn thành quyết toán vốn lần 2… Những biện pháp đó đã giúp tổng công ty ổn định và hoạt động hiệu quả hơn.
Còn ở Traphaco, bà Đào Thị Thúy Hà, thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc cho biết, với mục tiêu giữ vững và phát triển các DN có độ ổn định cao, SCIC giữ vai trò chủ động kết nối các các cổ đông lớn, thông qua đó tìm các giải pháp phối hợp với các cổ đông lớn, hài hòa lợi ích các cổ đông để đặt ra mục tiêu đảm bảo cho Traphaco phát triển ổn định lâu dài, có những bước đột phá trong tương lai.
Trong suốt nhiều năm qua, lãnh đạo SCIC luôn luôn giữ mối quan hệ hợp tác với nhiều cổ đông tổ chức, hài hòa lợi ích để hài hòa mục tiêu của các bên, thống nhất chung một mục tiêu từ đó giúp Traphaco phát triển được tốt nhất, các cổ đông lớn luôn có tiếng nói đồng thuận, giúp cho DN phát triển.
Vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển
Theo SCIC, từ khi chính thức đi vào hoạt động (1-8-2006) đến nay, tổng công ty đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 DN với tổng giá trị vốn nhà nước (theo vốn điều lệ) là 30.798 tỷ đồng, trong đó có 24 tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa. Tổng số vốn do Tổng công ty làm đại diện chủ sở hữu chiếm khoảng gần 2% tổng số vốn nhà nước tại các DN. 
Tính đến ngày 30-9-2022, số DN thuộc nhóm A1 (nhóm các DN, SCIC nắm giữ tỷ lệ từ 50% vốn điều lệ và vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng) là 17 DN, chỉ chiếm 14% số lượng DN nhưng chiếm 42,4% tỷ trọng vốn của SCIC; số DN thuộc nhóm A2 (nhóm các DN, SCIC nắm giữ tỷ lệ từ 50% vốn điều lệ và vốn đầu tư dưới 100 tỷ đồng) là 29 DN, chiếm 23% số lượng DN và 1,8% tỷ trọng vốn của SCIC; số DN thuộc nhóm B1 (nhóm các DN, SCIC nắm giữ tỷ lệ dưới 50% vốn điều lệ và vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng) là 19 DN, chiếm 15% số lượng DN và 53,8% tỷ trọng vốn của SCIC; số DN thuộc nhóm B2 (nhóm DN, SCIC nắm giữ tỷ lệ dưới 50% vốn điều lệ và vốn đầu tư dưới 100 tỷ đồng) là 61 DN, chiếm 48% số lượng DN và 2% tỷ trọng vốn của SCIC.
Thay đổi, tăng tính hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ảnh 2
Tính đến ngày 30-9-2022, tổng số người đại diện là 203, trong đó có 139 người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành DN (59,15%). Đối với một số DN quan trọng hoặc đang có nhiều tồn tại, SCIC trực tiếp cử cán bộ của tổng công ty làm người đại diện và tham gia quản lý DN là 63 người (chiếm 40,42%). 
Theo đánh giá của SCIC, cơ chế người đại diện đã giúp tổng công ty thực hiện quyền cổ đông, thành viên góp vốn tại DN ngày càng hiệu quả, bảo toàn, phát triển và thoái vốn thành công tại các DN. Nhiều DN có doanh thu hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm, điển hình như: Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, CTCP Cảng Thuận An, CTCP Du lịch Quảng Ngãi, CTCP Nhựa Việt Nam... Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân cao trên 30% như: Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (72%), CTCP Sữa Việt Nam (35%), CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (35%), CTCP Viễn thông FPT (31%)… Tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước lũy kế trên 47.800 tỷ đồng.
Thông qua người đại diện, tổng công ty tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các DN trong danh mục, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó có: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex); Seaprodex; Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Sông Đà...
Một số DN sau khi tái cơ cấu, xử lý tồn tại đã triển khai bán vốn thành công mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước (như Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam - Vinaconex, CTCP Nhựa Bình Minh, Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam…).
SCIC cũng đã thực hiện xử lý 2 dự án kém hiệu quả trong 12 dự án thuộc ngành công thương; tham gia đầu tư vốn vào Vietnam Airlines để hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19...
Thay đổi, tăng tính hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ảnh 3
Chiều 21-10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Lao động hạng nhì cho SCIC. 
Phát biểu tại sự kiện, theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, trong suốt quá trình 17 năm hoạt động của SCIC, vốn nhà nước đã được bảo toàn và phát triển. SCIC đã giải ngân hơn 37.000 tỷ đồng vốn đầu tư; bán vốn tại DN với giá trị hơn 12.400 tỷ đồng, thu về trên 51.000 tỷ đồng; doanh thu tăng gấp 49 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 77 lần, tổng tài sản tăng 11 lần; ROE 13%/năm… SCIC đã hỗ trợ thúc đẩy DN tăng sức cạnh tranh và chủ động tham gia vào tái cơ cấu DN, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu vốn nhà nước. 
Trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, để đẩy nhanh tiến trình đổi mới, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, ông Hùng đề nghị SCIC sớm hoàn thiện báo cáo Thủ tướng chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 để đẩy mạnh đầu tư kinh doanh vốn; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ pháp lý, chính sách trong đầu tư kinh doanh vốn; đẩy mạnh hơn chức năng đầu tư kinh doanh vốn, thể hiện rõ nét hơn vai trò nhà đầu tư của Chính phủ…

Các tin khác