Thay đổi tư duy làm luật

(ĐTTCO) - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2020, số luật mới hoặc sửa đổi được thông qua là 17 luật; số nghị định được ban hành là 158; số quyết định của Thủ tướng là 39; số lượng thông tư ban hành là 310. So với các năm trước, số lượng luật, nghị định, quyết định ban hành về cơ bản không có biến động lớn nhưng số lượng thông tư giảm mạnh. 
Ở góc độ kinh tế, điều này cũng đồng nghĩa các văn bản dưới luật, những quy định, giấy phép con đã phần nào được gỡ bỏ, tạo điều kiện thông thoáng cho môi trường đầu tư và kinh doanh.
Thực tế cho thấy, từ khi quyền tự do kinh doanh được nhấn mạnh và thể hiện theo hướng ngày càng mở rộng trong Hiến pháp (năm 1992, 2013) cho đến các văn bản pháp luật quan trọng là nền tảng cho hoạt động kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp (các năm 2005, 2014, 2020), Luật Đầu tư (các năm 2005, 2014, 2020), tư duy quản lý về đầu tư và kinh doanh của các nhà hoạch định chính sách đã có những bước chuyển mình đáng kể.
Cùng với đó, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh thông qua các đợt rà soát để cắt bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Về cơ bản, các văn bản pháp luật về đầu tư và kinh doanh được soạn thảo và ban hành đã thể hiện được đúng tinh thần cải cách, thúc đẩy môi trường đầu tư và kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra và theo đuổi thực hiện trong những năm qua.
Song, điều này không có nghĩa các chính sách hiện tại đã hoàn hảo. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, số lượng thông tư, “giấy phép con” giảm chưa phản ánh được hết những rào cản đang hiện hữu trong môi trường đầu tư và kinh doanh. Những rào cản ấy không chỉ cần được gỡ bỏ bằng việc cắt giảm số lượng văn bản dưới luật mà cần phải xuất phát từ việc thay đổi tư duy khi xây dựng luật.
Trong năm 2020, “tư duy cũ” vẫn thấp thoáng trong hoạt động chính sách với việc áp đặt biện pháp quản lý được cho là khắt khe, quá mức cần thiết đối với một số lĩnh vực đầu tư và kinh doanh (như lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thẩm định giá, vận tải), can thiệp quá mức cần thiết vào thị trường (như thủ tục kê khai cước vận tải, số lượng chứng thư thẩm định giá) hoặc áp dụng cơ chế “đóng” đối với một số lĩnh vực đáng lẽ phải khuyến khích cơ chế “mở” (như kiểm định chặt chẽ thiết bị viễn thông). Bên cạnh đó, một số văn bản có quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu, gây khó dễ cho doanh nghiệp…
Việc sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp trực tiếp vào các vấn đề vốn dĩ do thị trường tự điều chỉnh đã được hạn chế khá nhiều kể từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới (năm 1986). Hơn 30 năm qua, nhìn chung Nhà nước đã và đang cố gắng kiến tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và chỉ áp dụng các biện pháp quản lý nếu doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề có thể đưa đến những tác động rủi ro cho lợi ích cộng đồng.
Do đó, đối với những lĩnh vực, ngành nghề không thuộc diện có thể tác động rủi ro đến lợi ích cộng đồng, pháp luật khi xây dựng và ban hành cần theo cơ chế “mở” thay vì cơ chế “đóng” như hiện nay. Bởi, suy cho cùng, những biện pháp quản lý theo hướng thắt chặt này không những không giải quyết được đúng bản chất vấn đề mà còn tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp, cản trở môi trường đầu tư, đi ngược lại những nỗ lực chung của Nhà nước trong hàng chục năm qua.

Các tin khác