Theo ông, các điểm nóng có thể làm bùng nổ xung đột gồm Triều Tiên, Đài Loan, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và vịnh Persian. Dự đoán là... dự đoán, tuy nhiên những khu vực trên đang có những diễn biến địa chính trị nóng bỏng, chưa có giải pháp hữu hiệu xuống thang các yếu tố bất ổn.
Cuộc tỷ thí chưa ngã ngũ
Hãng Reuters đưa tin: Ngày 22-1, Tokyo đã kích hoạt hệ thống thông tin cảnh báo J.Alert cấp quốc gia, giả định đang có một quả tên lửa tấn công vào thành phố, kêu gọi người dân sơ tán vào các tòa nhà hoặc công trình dưới mặt đất. Khoảng 350 người đã tham gia cuộc diễn tập này với sự hướng dẫn của các nhân viên an ninh. Đây là lần đầu tiên một cuộc diễn tập sơ tán tên lửa được tổ chức ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II, trong bối cảnh các mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên vẫn bế tắc.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết một tên lửa nếu kích hoạt từ Triều Tiên sẽ bay đến lãnh thổ Nhật Bản trong vòng chưa đến 10 phút. Cảnh báo đầu tiên sẽ phát ra trong 3 phút sau và người dân chỉ có 5 phút tìm nơi trú ẩn.
Bình Nhưỡng năm qua đã liên tục thử nghiệm tên lửa, trong đó có nhiều vụ hướng về Nhật Bản, trở thành mối đe dọa cho nước này. Vụ thử tên lửa mới nhất tháng 11-2017, tên lửa Triều Tiên đạt độ cao 4.475km, bay xa 950km rồi rơi xuống vùng biển Nhật Bản sau 53 phút. Vì vậy, nhiều người cho rằng nếu chiến tranh xảy ra, bắn đạt thật thì hệ thống cảnh báo là vô dụng do thời gian để sơ tán quá ngắn, các nơi trú ẩn hiện có cũng không đủ kiên cố để chống lại một vụ tấn công hạt nhân!
Cuộc đối đầu trên bán đảo Triều Tiên có phần dịu lại trong thời gian gần đây nhờ giải pháp “ngoại giao Thế vận hội”, cuộc đua thể thao quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc. Song Bình Nhưỡng vẫn liên tục chỉ trích các cuộc tập trận của Hoa Kỳ và đồng minh, cho rằng điều đó gây ra mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Trong phát biểu mới nhất về vấn đề này, Tổng thống D. Trump để mở khả năng đàm phán với Triều Tiên và hoan nghênh cuộc đối thoại quan chức liên Triều, tuy nhiên vẫn tái khẳng định lập trường của mình: Đàm phán không thể tiến hành, trừ phi Triều Tiên đồng ý đưa ra kết cục về việc chấm dứt vũ khí hạt nhân lên bàn nghị sự.
Triều Tiên cũng mạnh mẽ đáp trả: Bình Nhưỡng có đủ năng lực phòng vệ cũng như tấn công đối phó với mọi hành động khiêu khích từ phía Hoa Kỳ. Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển các loại tên lửa tầm xa có thể đánh trúng các thành phố bờ Đông Hoa Kỳ, như Washington D.C, New York.
“Trừ phi Hoa Kỳ chấm dứt hoàn toàn việc đe dọa hạt nhân và ngừng ngay các chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên, chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để ngồi vào bàn đàm phán” - ông Kim In-ryong, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc (LHQ) tuyên bố.
Người dân thủ đô Tokyo, Nhật Bản diễn tập sơ tán xuống mặt đất, tầng hầm với giả định có cuộc tấn công bằng tên lửa.
Hầu như các bên đều chuẩn bị chiến tranh. Tờ New York Times cho biết mặc dù Hoa Kỳ thông báo nước này sẽ hoãn các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc đến sau Thế vận hội mùa Đông (kết thúc vào tháng 3) nhưng Washington dường như đã chuẩn bị các kịch bản cho cuộc chiến với Triều Tiên: Một cuộc tập trận lớn trực thăng tấn công đã diễn ra ở bang North Carolina dưới cơn mưa đạn pháo, tập huấn thiết lập các trung tâm di động để điều quân ra nước ngoài, triển khai các loại máy bay ném bom hạt nhân ở Guam, điều tàu sân bay USS Reagan đến Nhật Bản…
Trong khi đó chính phủ Nhật Bản đã lên phương án sơ tán công dân của mình rời Hàn Quốc bằng đường biển phòng trường hợp Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, các sân bay ở Seoul không thể hoạt động. Bảo đảm hậu cần và kỹ năng sống sót là vấn đề các bên đều đặt ra, bởi lẽ Bình Nhưỡng đã triển khai hàng loạt hệ thống vũ khí nhắm vào Seoul - thủ đô của Hàn Quốc chỉ cách biên giới Triều Tiên 50km, là vùng đô thị lớn thứ 2 thế giới với 25 triệu người, kể cả người nước ngoài.
Trước cuộc tỷ thí chưa ngã ngũ này, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa thông tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố: “Triều Tiên sẽ chiến đấu không nao núng để đất nước được độc lập về chính trị, tự túc về kinh tế và tự lực về quốc phòng”.
Căng thẳng địa chính trị
Trung Đông là khu vực chiến lược đối với nhiều siêu cường nhưng hiện nay diễn biến đầy bất ổn, xuất phát từ tình hình phức tạp ở Syria, Tổng thống D. Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Hoa Kỳ từ chối xác nhận thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran… Các chuyên gia cho rằng tình hình địa chính trị căng thẳng chủ yếu phát xuất từ Hoa Kỳ và bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách của Hoa Kỳ đều có nguy cơ phủ bóng đen lên triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình nhằm giải quyết các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Với các tuyên bố mới đây của D. Trump sẽ rất khó để các bên ngồi lại với nhau đưa ra những giải pháp tích cực để tháo gỡ ngòi nổ. Điều đáng nói là xu hướng chính sách của D. Trump dường như đi theo hướng “một mình một chợ”. Việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đã dấy lên một cuộc phản đối mạnh mẽ trên toàn thế giới. Ngay cả LHQ cũng thẳng thừng bác bỏ, cho rằng việc này cần được định đoạt bằng con đường đàm phán giữa Israel và Palestine.
Ngay sau đó nhiều nước, kể cả EU tuyên bố sẽ mở đại sứ quán tại Đông Jerusalem nhằm “ủng hộ khu vực này trở thành thủ đô của nhà nước Palestine tương lai”. Tổng thống Palestine đã phát biểu, kêu gọi LHQ đảm nhận vai trò dẫn dắt tiến trình hòa bình Trung Đông, bắt đầu một cơ chế mới thay thế vai trò lâu nay của Washington đã không còn phù hợp.
Mặt trận ở Syria cũng diễn biến phức tạp. Cuối năm trước, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga tuyên bố nước này đã hoàn toàn giải phóng Syria khỏi khủng bố IS tại những thành trì cuối cùng, một chiến dịch đánh đuổi IS thành công kéo dài trong 2 năm. Tổng thống Nga Putin xác nhận nước này đã được giải phóng hoàn toàn và cần tổ chức tổng tuyển cử để bầu Quốc hội mới; Nga sẽ dần rút quân khỏi Syria.
Trong khi đó, mới đây Washington lại thông báo sẽ thành lập Lực lượng an ninh biên giới tại Syria (khoảng 30.000 người) để “duy trì ổn định trong khu vực và ngăn khủng bố thánh chiến tái xuất hiện”. Lập tức các nước trong khu vực phản đối mạnh mẽ, cho rằng đây là dụng ý xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, chia cắt đất nước Syria; nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran, sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền Syria…
Mới đây Hoa Kỳ còn lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu cần giới hạn thời gian và quy mô chiến dịch “Cành ô liu” nước này đang thực hiện nhằm vào các tay súng người Kurd ở Syria, tạo một vùng an ninh giữa biên giới 2 nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lập tức “phản pháo”: “Hoa Kỳ nói chiến dịch không được kéo dài quá lâu. Và tôi muốn hỏi Hoa Kỳ, quý vị đã ở Afganistan bao lâu rồi, và khi nào thì chấm dứt? Quý vị đến Iraq trước khi tôi nắm quyền, vậy có khung thời gian để chấm dứt? Chúng tôi chỉ kết thúc chiến dịch khi đạt được mục tiêu lá chắn cho mình”.
Chiến tranh lạnh chưa kết thúc?
Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thế giới tưởng rằng xu thế đối đầu, chiến tranh lạnh đã kết thúc nhưng thực tế không hẳn vậy. Ông Daniel Hoffman, cựu tình báo CIA đưa ra nhận xét trên tờ Washington Times: Sau thập niên chìm trong suy thoái, Tổng thống Nga Putin đã thực hiện chiến lược khôi phục nước Nga với tư cách siêu cường. Sự trì trệ của Xô Viết đã bị phá bỏ, Nga đã can thiệp chính trị vào lãnh thổ ở Gruzia, Ukraine; khôi phục ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latin, Trung Đông nhờ các chiến dịch quân sự, ngoại giao và tình báo hiệu quả. Vì vậy, Nga vẫn là đối thủ địa chính trị của Hoa Kỳ!
Chiến tranh lạnh chưa kết thúc?
Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thế giới tưởng rằng xu thế đối đầu, chiến tranh lạnh đã kết thúc nhưng thực tế không hẳn vậy. Ông Daniel Hoffman, cựu tình báo CIA đưa ra nhận xét trên tờ Washington Times: Sau thập niên chìm trong suy thoái, Tổng thống Nga Putin đã thực hiện chiến lược khôi phục nước Nga với tư cách siêu cường. Sự trì trệ của Xô Viết đã bị phá bỏ, Nga đã can thiệp chính trị vào lãnh thổ ở Gruzia, Ukraine; khôi phục ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latin, Trung Đông nhờ các chiến dịch quân sự, ngoại giao và tình báo hiệu quả. Vì vậy, Nga vẫn là đối thủ địa chính trị của Hoa Kỳ!
Chưa bao giờ quan hệ Hoa Kỳ - Nga lại xấu như hiện nay. Các biện pháp đáp trả của 2 bên liên tiếp diễn ra. Ông Igor Pshenichnikov, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược Nga nhận định: “Các biện pháp trừng phạt mới của chính quyền Trump khiến cho mối quan hệ Nga - Hoa Kỳ đi vào ngõ cụt, không thể tìm ra lối thoát. Quan hệ song phương 2 nước hiện nay đã xuống đến mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II”.
Mới đây báo The New York Times tiết lộ danh sách gồm 39 tổ chức Nga có thể bị Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt mới, trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng. Nhiều chuyên gia bày tỏ, nhìn từ quan điểm quân sự, các biện pháp trừng phạt này có vẻ lố bịch. Hoa Kỳ đang cố gắng hạn chế Nga để có thể tiếp cận rộng hơn thị trường vũ khí toàn cầu. Vì vậy, đây là một thí dụ sinh động về việc cạnh tranh không lành mạnh.
Ngay từ khi lên cầm quyền, Tổng thống D. Trump đã phản ứng lại, dẹp bỏ các “trật tự ổn định” của Hoa Kỳ và thế giới bằng hàng loạt quyết định chính sách của mình. Khép lại năm cũ, D. Trump tuyên bố sẽ trả đũa các nước bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của LHQ lên án quyết định của ông công nhận Jerusalem là thủ đô Israel; tuyên bố có thể xem xét phương án rút khỏi LHQ.
Nhưng sau đó, 128 nước vẫn bỏ phiếu thông qua nghị quyết này. Bà Jaime Viens, một chuyên gia phân tích chính trị, cho rằng nếu rời khỏi LHQ, Hoa Kỳ cũng chính thức từ bỏ quyền phủ quyết và tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an; Hoa Kỳ sẽ trở thành đối tượng dễ tổn thương và bị thiệt thòi đầu tiên.
Các chuyên gia cho rằng thiếu Hoa Kỳ, LHQ vẫn sẽ tồn tại. Các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc sẽ tăng cường lợi ích, vị thế của mình ở tổ chức này, kế thừa quyền lực và ảnh hưởng Hoa Kỳ để lại theo hướng có lợi cho mình.
Giám đốc chương trình Win Without War thuộc Trung tâm Chính sách quốc tế Steven Miles nhận định: “Khi phần lớn người dân Hoa Kỳ đều không cho rằng những gì Tổng thống nói là sự thật, tại sao cả thế giới phải tin? Tôi cho rằng lời đe dọa của Trump đối với các thành viên LHQ chỉ là một minh chứng nữa cho thấy sự bất cẩn của ông. Điều đó đang hủy hoại độ tin cậy của Hoa Kỳ”.
Uy tín tiếp tục giảm sút Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất sau 1 năm cầm quyền của Tổng thống Trump do báo The Washington Post và kênh tin tức ABC News thực hiện, cho thấy 58% người được hỏi không tán thành cách Tổng thống Trump điều hành công việc, trong khi đó chỉ có 36% ủng hộ. Cũng theo cuộc thăm dò này, 50% cho rằng ông Trump có tâm lý không ổn định; 73% không đánh giá cao năng lực của tổng thống; hơn 60% công dân Hoa Kỳ phản đối việc xây dựng bức tường biên giới dài 3.100km giữa Hoa Kỳ với Mexico… Còn kết quả một cuộc khảo sát ở Đức cho thấy người dân nước này nhìn nhận Tổng thống D. Trump là vấn đề đe dọa đến chính sách đối ngoại nhiều hơn so với Triều Tiên và Nga. Reuters dẫn nguồn tin từ cuộc khảo sát bày tỏ nỗi lo lắng mối quan hệ với Hoa Kỳ là 19%; trong khi đó đối với các nước khác thấp hơn như Thổ Nhĩ Kỳ (17%), Triều Tiên (10%) và Nga (8%). |