(ĐTTCO) - LTS: Cách nay 1 năm, ông Donald Trump đã đăng đàn, có bài phát biểu đầu tiên với tư cách Tổng thống, Tổng tư lệnh mới của Hoa Kỳ, nhấn mạnh đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên hàng đầu; tuyên bố:
“Ngày 20-1-2017 sẽ được nhớ đến như là ngày người dân lại trở thành những người cai quản đất nước. Những người đàn ông, phụ nữ bị lãng quên sẽ không còn bị lãng quên nữa. Tôi cam kết sẽ sát cánh với người dân đưa đất nước này giàu có, mạnh mẽ và vĩ đại trở lại”. Thực tế cục diện nước Mỹ và quốc tế sau 1 năm cầm quyền của D. Trump ra sao?
Cử tri quay lưng?
Điều oái ăm là đúng vào ngày trọn 1 năm D. Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, trên khắp cả nước hàng trăm ngàn người dân, chủ yếu là phụ nữ - những “người phụ nữ bị lãng quên”, đã xuống đường biểu tình phản đối tổng thống. Tại các thành phố lớn trên khắp Hoa Kỳ, người dân đồng thanh hưởng ứng sự kiện này, hô vang các khẩu hiệu phản đối những chính sách của Tổng thống Trump đối với phụ nữ và các vấn đề xã hội - dân sinh.
Ngày 20-1 cũng đánh dấu việc Chính phủ Hoa Kỳ phải đóng cửa khi các nhà lập pháp của Đảng dân chủ và Cộng hòa đều không đạt được thỏa hiệp về ngân sách tại Quốc hội. Nguyên nhân là những bất đồng về chính sách nhập cư (DHCA) liên quan đến số phận của hàng triệu người và các vấn đề liên quan đến các chính sách khác của D. Trump.
Theo ước tính của Goldman Sachs, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong 1 tuần, tổng sản phẩm quốc nội quý I-2018 sẽ giảm 0,2%. Bất chấp kết quả tăng trưởng GDP ấn tượng trong năm đầu cầm quyền, gần 2,1 triệu việc làm mới đã được tạo ra đưa mức thất nghiệp xuống còn 4,1% - mức thấp nhất trong những năm gần đây, một cuộc thăm dò của Washington Post/ABC cho kết quả: 48% người dân Hoa Kỳ cho rằng Tổng thống D. Trump và đảng Cộng hòa (của ông) phải chịu trách nhiệm về tình trạng “hỗn loạn” này, trong khi ý kiến chỉ trích đảng Dân chủ là 28%.
Trước đó, một cơn “địa chấn” chính trường Hoa Kỳ cũng đã xảy ra khi đảng Dân chủ đã có chiến thắng lịch sử trước phe Cộng hòa ở Alabama, một trong những bang “ruột” của đảng Cộng hòa. Trong cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ, Roy Moore, ứng viên của Cộng hòa đã thất bại, trong khi lần đầu tiên sau 25 năm, ứng viên Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - ông Doug Jones thắng cử, đã ảnh hưởng đến cục diện chính trị chung khi thế đa số tại Thượng viện của đảng Cộng hòa chỉ còn 51-49. Ông Moore bị thất bại vì đối mặt với nhiều cáo buộc như quấy rối tình dục, xâm hại trẻ vị thành niên, bị các đối tượng cử tri là phụ nữ, các nhóm sắc tộc thiểu số, người đồng tính… ác cảm.
Một tháng trước đó, cuộc bầu cử thống đốc ở bang chiến trường quan trọng Virginia, ứng viên đảng Dân chủ Ralph S. Northam cũng giành thắng lợi nổi trội so với đối thủ đảng Cộng hòa. Điểm chung của sự “đổi ngôi” các vai này là sự xuất hiện của nhóm cử tri nòng cốt - người Mỹ gốc Phi đi bỏ phiếu vượt ngoài dự tính, giúp đảng Dân chủ đánh bại nền tảng cốt lõi của D. Trump - người lao động da trắng bậc trung ở nông thôn. Những chiến thắng này cảnh báo về xu hướng mới mà đảng Cộng hòa phải đối phó trong việc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm nay. Đảng Dân chủ hình như đang thể hiện rõ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát ở Quốc hội trong 2 năm còn lại nhiệm kỳ Tổng thống D. Trump.
Người dân Hoa Kỳ, phần lớn là phụ nữ đã biểu tình tại thủ đô Washington, phản đối các chính sách của Tổng thống D. Trump. Người giàu càng giàu hơn
Mới đây, cuốn sách mới “Fire and Fury, Inside the Trump White House (Lửa cháy và cuồng nộ, bên trong Nhà Trắng của Trump) được xuất bản, trở thành cuốn sách được đón nhận thời thượng, gây nhiều dư luận. Cuốn sách này phơi bày sự hỗn loạn ở hậu trường Nhà Trắng, trích đoạn những rò rỉ cho thấy cựu chiến lược gia trưởng của tổng thống, ông Steve Barron đã chỉ trích cuộc gặp giữa con trai cả của ông Trump với nữ luật sư người Nga năm 2016 trong chiến dịch tranh cử và bày tỏ mối nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của ông Trump. Trả lời trên BBC, ông Michael Wolft - tác giả cuốn sách, bày tỏ: “Những câu chuyện mà tôi kể, thuật lại trong sách sẽ cho thấy diễn biến của nhiệm kỳ tổng thống này, trong đó ông ta không xứng đáng với chức vụ ấy”.
Tổng thống D. Trump đã mạnh mẽ bác bỏ nội dung cuốn sách, cho rằng tất cả đều là những thông tin dối trá và tự ca ngợi: “Tôi đã đi từ một doanh nhân rất thành công tới ngôi sao truyền hình và cương vị tổng thống Hoa Kỳ (trong lần thử sức đầu tiên), tôi nghĩ điều đó không chỉ được đánh giá là thông minh, mà là thiên tài… và là thiên tài rất ổn định”.
Vậy Hoa Kỳ sau một năm điều hành của tổng thống nhiệm kỳ mới có sự chuyển biến nổi bật nào? Ngay trước thềm năm mới 2018, Tổng thống D. Trump đã ký phê chuẩn kế hoạch cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD để ban hành thành luật. Đây được xem là cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm qua ở nước này và là thành công pháp lý đáng kể nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức. Những nội dung chính của luật thuế mới bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp, sửa đổi thuế với các công ty đa quốc gia, giảm thuế cho các chủ sở hữu doanh nghiệp… Tổng thống Trump tuyên bố gói cải cách thuế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, sự thịnh vượng của xã hội khi thúc đẩy kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng…
Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu công bố cho thấy những khoản giảm thuế theo chính sách mới chỉ có lợi cho người giàu. 1% những người giàu có nhất Hoa Kỳ sẽ hưởng tới 50% tất cả lợi ích từ việc cắt giảm thuế. Trái lại, người thu nhập càng thấp mức giảm thuế càng thấp, thậm chí không được giảm trong khi luật mới lại xóa bỏ khoản miễn trừ thuế 4.500USD đối với mỗi đứa con của họ hoặc người phụ thuộc. Mặt khác, để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách, chính quyền sẽ hủy bỏ một loạt các chương trình phúc lợi như bảo hiểm y tế, an sinh xã hội…
Tổng thống D. Trump tuyên bố luật thuế mới sẽ giúp đưa các nhà máy trở về Hoa Kỳ. Tuy nhiên các phân tích cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ càng kích thích các công ty chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Bởi lẽ, luật mới cho phép các công ty không phải đóng thuế đối với những khoản thu nhập nếu những khoản thu đó chiếm chưa tới 10% tổng vốn đầu tư của họ! Luật thuế mới của Tổng thống D. Trump cũng khiến nhiều nước quan ngại, có nguy cơ ảnh hưởng đến cục diện kinh tế thế giới vì mức thuế kinh doanh mới 21% khiến Hoa Kỳ từ vị trí hàng đầu trong nhóm nước áp thuế cao, nay xuống hàng chót để thúc đẩy các chương trình mang yếu tố chủ nghĩa dân tộc, có thể gây hệ quả cho các quốc gia khác. Các nước Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản thực tế đều đang áp đặt mức thuế kinh doanh thấp nhất là 30%; là không công bằng trong sân chơi chung.
Thách thức còn phía trước
CNN đưa tin, nêu những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Nhà Trắng và ngay cả trong nội bộ đảng Cộng hòa khi họ đang đứng trước cuộc bầu cử giữa kỳ rất quan trọng, diễn ra vào tháng 11-2018. Một cố vấn cấp cao ở Nhà Trắng cho biết Tổng thống D. Trump và đảng Cộng hòa đang gấp rút tìm giải pháp phát đi một thông điệp mạnh mẽ về cuộc bầu cử này, nhưng hầu như mọi việc vẫn chưa chuyển biến. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Trump có mức tín nhiệm thấp kỷ lục so với nhiều đời tổng thống cũng đặt ra không ít khó khăn, bởi giờ đây ông phải lấy lòng cử tri, phải đưa ra những chính sách mà đa số người dân chấp nhận.
Chính phủ Hoa Kỳ phải ngừng hoạt động vì không được chuẩn y ngân sách càng làm rối rắm tình hình, sẽ là trở ngại đối với chính quyền Trump trong việc thực hiện các chủ trương trong năm nay. Hiện tại phe Dân chủ cần thêm 24 ghế để kiểm soát Hạ viện và chỉ cần 2 ghế để nắm quyền ở Thượng viện sau thắng lợi vang dội của ứng cử viên Doug Jones ở bang Alabama.
Còn nếu tính với cơ cấu hiện tại, Tổng thống D. Trump rất cần phiếu thuận từ các thành viên Dân chủ nếu muốn thông qua các chương trình nghị sự, các chính sách mới. Và điều có thể nhận thấy là mọi việc không dễ dàng.
Theo giới quan sát, các khuyết tật cố hữu Trump vẫn không bỏ được. Đó là các phát ngôn ngẫu hứng, mạnh miệng, thiếu luận cứ gây những hệ quả không mong muốn. Ryan Williams, cựu cố vấn ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa nêu quan điểm: “Nếu ông Trump tiếp tục có những hành động hay phát ngôn “sai lầm”, chúng ta sẽ khiến thế đa số của mình rơi vào nguy hiểm. Nếu chúng ta để mất Hạ viện, Thượng viện hoặc cả 2, ông Trump sẽ khốn khổ vì nó!”.
Tác động chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa Chính phủ Hoa Kỳ bị đóng cửa từ đêm 19-1 do Quốc hội chưa thông qua dự luật ngân sách cho giai đoạn tiếp theo. Phe Dân chủ yêu cầu ngân sách tài khóa 2018 phải bao gồm cả việc bảo vệ hàng trăm ngàn người nhập cư chưa hội đủ các hồ sơ nhưng phe Cộng hòa bác bỏ. Dù các bên đã nỗ lực tìm giải pháp nhưng đến 22-1 vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Theo Reuters, các chỉ số tương lai trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ đang đi xuống. S&P 500 mini Futures giảm 0,15% và U.S. Treasuries rơi xuống đáy. Trên thị trường ngoại hối, Dolar Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh trên rổ tiền tệ lớn trên thế giới giảm 0,2% so với tuần trước và trên hướng về đáy cách đây 3 năm. Các nhà phân tích cho rằng thị trường không kỳ vọng việc này diễn ra. Chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng mạnh từ đầu năm với diễn biến tích cực, sự việc chính phủ đóng cửa có thể làm thay đổi xu hướng của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. M.L |
(còn tiếp)
Lê Duyên
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu