Phát biểu trong một cuộc họp báo tuần trước, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng hy vọng tiêu diệt được hoàn toàn virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đang tắt dần và các nước trên thế giới phải học cách sống chung với virus, theo đài CNBC. Trên thực tế, nhiều quốc gia hiện nay đã chủ động vạch ra lộ trình như vậy, điển hình nhất phải kể đến Anh đã mở cửa gần như hoàn toàn hồi tháng 7.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một phiên họp báo hồi tháng 3-2020. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, để đảm bảo con người có thể đạt được trạng thái bình thường mới và thực sự đủ khả năng phản ứng trong kịch bản một đại dịch với sức tàn phá tương tự dịch COVID-19 càn quét xã hội một lần nữa thì phải có sự chung tay của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy những thay đổi sâu rộng, cấp thiết đối với trật tự thế giới.
Đại dịch đưa toàn thế giới vào thế bị động
Theo GS Toby Miller thuộc ĐH Murdoch (Úc) viết trong quyển A COVID Charter, A Better World (tạm dịch: Hiến chương COVID cho một thế giới tốt đẹp hơn), trật tự thế giới hiện nay được xây dựng và kế thừa từ tinh thần Hiến chương Đại Tây Dương và kết quả Hội nghị Bretton Woods giữa các cường quốc phương Tây sau Thế chiến II. Các nước phương Tây mong muốn một trật tự mới với hòa bình, thịnh vượng và hợp tác kinh tế là chủ đạo.
Trong điều kiện bình thường thì trật tự này hoạt động rất hiệu quả, kinh tế toàn cầu cho đến thời điểm trước đại dịch bùng phát đều tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, đến khi đại dịch bắt đầu lây lan mất kiểm soát hồi năm ngoái thì trật tự thế giới bắt đầu lộ ra điểm yếu là chính quyền các nước lẫn các thiết chế quốc tế phản ứng rất chậm trong tình huống xảy ra khủng hoảng. Điểm yếu này đã được giới chuyên gia lưu ý và cảnh báo từ rất lâu khi quan sát cách thế giới xử lý những vấn đề về môi trường - vốn là những thách thức mà nếu không giải quyết sớm sẽ gây ra hậu quả không thể đảo ngược với toàn nhân loại.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, tăng trưởng toàn cầu sụt giảm 4,4% do ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB). Đáng lo ngại hơn, WB ước tính có hơn 100 triệu người trong năm ngoái rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói, khiến tỉ lệ đói nghèo toàn cầu sau hơn 20 năm giảm liên tiếp nay tăng trở lại.
Đến nay, các biện pháp giảm thiểu tác động của đại dịch hầu hết đều diễn ra theo kiểu “nước nào tự lo dân nước đó”. Những nước phát triển như Mỹ với tiềm lực mạnh thì đủ khả năng tung ra các gói cứu trợ kinh tế có thể chiếm tới 20%-25% GDP nhưng các nước nhỏ hơn thì chỉ có thể huy động được trong khoảng 2%-6% GDP. Dòng tiền viện trợ từ các tổ chức quốc tế lẫn từ chính những nước phát triển suốt gần hai năm qua cũng không thể lấp đầy khoảng cách như vậy.
Tình trạng này khiến những nước vốn đã khốn nay lại càng khó, trong khi các quốc gia phát triển chịu ít thiệt hại hơn nên dễ hồi phục nhưng lại không có gì đảm bảo những nước này sẽ quay lại đóng góp nhiều hơn để hỗ trợ những nước đang phát triển.
Tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine toàn cầu là một bất cập khác của trật tự hiện nay. Trong khi các nước phát triển nhanh chóng tìm được nguồn cung vaccine thì những quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa tiếp cận được. Các nước phát triển gần đây thậm chí chuẩn bị triển khai tiêm liều bổ sung để ngăn chặn sự lây lan từ những biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 như Delta. Nhiều chuyên gia và tổ chức cảnh báo việc tiêm liều tăng cường lúc này là không nên và sẽ làm giảm nguồn cung vaccine vốn có thể dùng để tiêm đủ liều cho những khu vực chưa có cơ hội.
Thực trạng thiếu vaccine khiến Cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được dự báo chỉ có thể hỗ trợ vaccine cho khoảng 20%-30% dân số thế giới trong năm nay - một con số rất thấp nếu so với mục tiêu 70% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ do WHO đề ra.
Những thay đổi cần có
Hiến chương phải bao gồm các nội dung thực tế, có thể thực hiện được nhằm từng bước đưa thế giới vào trạng thái bình thường mới và đảm bảo những nguồn lực quốc tế sẽ luôn sẵn có một khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu.
Thứ nhất, các nước phát triển phải đồng ý trích mỗi năm số tiền bằng 1% GDP của mình cho viện trợ quốc tế, qua đó giúp tăng nguồn tiền thêm khoảng 100 tỉ USD. Cam kết này sẽ giúp đảm bảo ngay cả khi có nhiều quốc gia đột nhiên rút viện trợ lúc có khủng hoảng thì vẫn còn đủ nguồn tiền để hỗ trợ các khu vực khó khăn. Khi không có khủng hoảng thì số tiền này sẽ được dùng để giải quyết các vấn đề chung của thế giới như biến đổi khí hậu.
Thứ hai, các nước đang phát triển phải cam kết có trách nhiệm với số tiền được viện trợ, chỉ sử dụng cho những mục tiêu cần thiết như mua thêm vaccine ngừa COVID-19 và tái thiết kinh tế theo hướng hòa nhập chung với nền kinh tế mới toàn cầu. Số tiền viện trợ cũng nên được dùng để cải thiện các chính sách an sinh - xã hội, hỗ trợ các nhóm yếu thế vượt qua khó khăn sau đại dịch.
Thứ ba, các thiết chế quốc tế, nhất là các thiết chế tài chính như WB hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cần hoạt động mạnh mẽ theo đúng chức năng của mình. Những bên này phải tăng cường hơn nữa các gói vay ưu đãi cho các nước đang phát triển và tích cực tìm cách mở rộng nguồn tiền cho vay thông qua các kênh tư nhân lẫn chính phủ.
Thứ tư, lãnh đạo những doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức từ thiện nhân đạo cần cam kết hợp tác chặt chẽ với các chính phủ trong nỗ lực tăng độ phủ vaccine toàn cầu và tái thiết nền kinh tế theo hướng bền vững. Việc hợp tác hiệu quả hai khối công - tư sẽ mở ra nhiều tiềm năng mới trong phát triển khoa học, công nghệ và đảm bảo những tiến bộ đó sẽ quay lại hỗ trợ cuộc sống cho các nhóm yếu thế.•
Nên nhìndịch COVID-19như một cơ hội để nâng chất lượng cuộc sống của con người lên tầm cao mới. Một hiến chương COVID-19 với quy mô như Hiến chương Đại Tây Dương sẽ là hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn. Con người sẽ được sống trong giai đoạn an toàn, bình đẳng chưa từng có trong lịch sử. GSTOBY MILLER,ĐH Murdoch (Úc) |
Hiện nay, tuy chưa có nước nào đề xuất một ý tưởng tương tự bản Hiến chương COVID-19 của hai ông Miller và Shah, Hiệp ước Rome được nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua hôm 6-9 cũng đã đến rất gần một hiến chương như vậy. Theo đó, hiệp ước nêu rõ G20 cam kết đảm bảo người dân trên toàn thế giới đều được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất là 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021. Nhóm cũng sẽ tích cực hỗ trợ kinh tế toàn cầu phục hồi bền vững, đảm bảo thế giới được chuẩn bị tốt hơn trong việc phát hiện và ứng phó với những tình huống khẩn cấp về y tế trong tương lai, các thành viên G20 còn cam kết mở rộng, đầu tư và chuyển đổi việc tuyển dụng, hỗ trợ tài chính cho nhân sự trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. |