Thêm một công ty tài chính sẽ về tay người Thái

(ĐTTCO) - Tập đoàn Home Credit vừa thông báo sẽ bán toàn bộ vốn góp tại Home Credit Việt Nam cho đối tác Thái Lan sau 15 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Home Credit, thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit Vietnam) cho bên mua là The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), thành viên của SCBX Public Company Limited (SCBX).

SCBX là công ty mẹ của SCB và là một trong những tập đoàn công nghệ tài chính hàng đầu tại Thái Lan. Còn SCB là ngân hàng lớn có tổng tài sản đứng thứ tư trong nước.

Thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu Euro và quá trình chuyển giao dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, sau khi có chấp nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Thái Lan. Giá trị chuyển nhượng thực tế sẽ được xác định vào thời điểm hoàn tất giao dịch.

Được biết, Home Credit Việt Nam, thuộc sở hữu của tập đoàn đầu tư quốc tế PPF, bắt đầu hoạt động năm 2009 và là công ty đầu tiên của Home Credit tại Đông Nam Á. Công ty này đang giữ thị phần lớn thứ hai trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, chiếm khoảng 14% tổng giá trị thị trường.

Trước đó, một công ty tài chính trong nước, cũng đã chuyển nhượng vốn cho đối tác Thái Lan. Cụ thể, hồi tháng 5-2023, SHB và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFinance). Sau đó 3 năm, SHB sẽ tiến hành chuyển nhượng toàn bộ 50% cổ phần đang nắm giữ cho Krungsri theo thỏa thuận thương vụ ký đầu tháng 8-2021.

Thời gian qua, trong bối cảnh khăn chung của nền kinh tế, thị trường tài chính tiêu dùng có dấu hiệu trầm lắng. Các công ty tài chính đình đám từng một thời là "gà đẻ trứng vàng" của các ngân hàng, nay lâm vào nợ xấu tăng cao, khách hàng đua nhau "bùng" nợ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kỳ vọng cho lĩnh vực này khi tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu vẫn là 3 động lực chính cho tăng trưởng. Trong đó, tiêu dùng nội địa đang được khuyến khích đẩy mạnh thông qua nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, bao gồm giải pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng. Đặc biệt, dư nợ vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 27,17% GDP, trong khi tỷ lệ trung bình tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia… lên đến 60-70% GDP.

Những yếu tố kể trên cho thấy tiềm năng của lĩnh vực tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn. Thêm vào đó, các thương vụ M&A trong mảng tài chính tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên những gam màu sáng hơn đối với lĩnh vực này.

Các tin khác