Thị thực đang tạo điểm nghẽn khách du lịch

(ĐTTCO) - Tháng 6 tới, chính sách miễn visa (thị thực) 1 năm Việt Nam áp dụng sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, vào thời điểm này khi mùa cao điểm du lịch cận kề, vẫn chưa có thông báo về việc Chính phủ có gia hạn miễn visa cho các quốc gia đang nhận miễn 1 năm. 
Thị thực đang tạo điểm nghẽn khách du lịch
Điều này sẽ dẫn đến hệ quả kế hoạch của khách châu Âu đi châu Á (do các đơn vị lữ hành quốc tế lớn lập) nhiều khả năng sẽ bỏ qua Việt Nam. Như vậy, nguy cơ ngành du lịch sẽ sụt giảm đáng kể, do đây là nhóm khách có chi trả cao và số ngày lưu trú dài.
Trên mở, dưới siết
Theo Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2020 số khách quốc tế đến Việt Nam hướng đến con số 18,5 triệu người (tăng 17% giai đoạn 2016-2020); tổng thu từ khách du lịch 35 tỷ USD (tăng 19%); giá trị xuất khẩu du lịch tại chỗ 20 tỷ USD (1.080USD/người). Tăng trưởng du lịch không chỉ về số lượng mà còn chú trọng đến chất lượng và thu hút khách có mức chi tiêu bình quân cao trên 1.000USD/người.
Vậy làm sao để tăng trưởng chất lượng du lịch? Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam cần ưu tiên cải thiện sự bền vững của môi trường, các yêu cầu về visa, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch. Còn theo Diễn đàn Kinh tế tư nhân, Chính phủ cần tháo gỡ 3 điểm nghẽn để tạo đà cho du lịch phát triển, gồm chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia; chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam; tạo lập môi trường, điểm đến du lịch sạch, thân thiện và an toàn… 
 Nếu không có tín hiệu từ phía Chính phủ, ngành du lịch sẽ không kịp làm gì đối với thị trường châu Âu. Như vậy, khách du lịch châu Âu và một số quốc gia có thói quen chi trả cao sẽ chuyển hướng đến các quốc gia khác mời chào họ tốt hơn; chưa kể các công ty du lịch trong nước mất trắng nhiều tỷ đồng đầu tư cho việc quảng bá tại khu vực này. 
PHẠM THỊ NGỌC THỦY,
Phó Giám đốc Thường trực Văn phòng Ban IV
Tại Chỉ thị 24/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch quốc tế; tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với các quốc gia có khách du lịch lớn đến Việt Nam; có kế hoạch tiếp tục triển khai cấp thị thực nhập cảnh điện tử.
Như vậy, có thể thấy chính sách visa là một trong những yêu cầu quan trọng để thu hút du khách, phát triển du lịch. Thế nhưng, so tương quan với khu vực, Việt Nam đang bị lép vế khá nhiều.
Chẳng hạn, Thái Lan đang miễn thị thực cho 57 quốc gia (trong đó 2 nước được miễn visa 14 ngày, 50 nước 30 ngày và 5 nước 90 ngày); Malaysia 162 nước (tương ứng ngày được miễn visa là: 4, 92 và 66); Singapore 159 (126 nước 30 ngày và 33 nước 90 ngày); Indonesia là 168 nước (đều miễn visa 30 ngày); Philippines 159 nước (2 nước 14 ngày, 155 nước 30 ngày và 2 nước 59 ngày). Việt Nam miễn visa cho 24 nước, trong đó, 15 nước được miễn visa trong 15 ngày, 7 nước 3 ngày.
Trong một đề xuất về tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đà đột phá cho du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch đề xuất cần điều chỉnh chính sách miễn thị thực, thị thực điện tử. Trong đó, chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (bao gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia) sẽ hết hạn ngày 30-6; tăng số ngày miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày cho 12 nước (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan); bãi bỏ quy định mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày; chương trình miễn thị thực kéo dài thành 5 năm; thông báo miễn thị thực trước ít nhất 6 tháng.
Lý do của việc cần tăng số ngày miễn thị thực cho 12 nước, theo Hội đồng tư vấn, trong số 12 nước nêu trên, ngoại trừ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, 9 nước còn lại du khách có độ dài lưu trú lớn 12,1-17,3 ngày. Cùng với đó, chi tiêu bình quân của du khách 9 nước dao động 1.066-1.616 USD/lượt. 

Dễ vuột cơ hội
Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, về tác động của việc miễn thị thực tại các nước ASEAN: số du khách tăng thêm 3-5,1%, số việc làm trực tiếp sẽ tăng thêm 1,6-3,1%. Còn theo nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch, việc miễn thị thực cho 5 nước: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia sẽ giúp tăng số khách du lịch 10,1%.
Riêng việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam sẽ tạo sự đột phá cao hơn các nước ASEAN khác. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, visa du lịch không phải là vấn đề song phương, mà “có đi có lại”. Hầu hết các nước đều có chính sách miễn thị thực song phương và đơn phương. Những nước có bình quân GDP đầu người trung bình, thường miễn thị thực nhập cảnh nhiều hơn để thu hút khách du lịch quốc tế.
Trong một văn bản kiến nghị do Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi đến Thủ tướng Chính phủ, 2 tổ chức này phân tích trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch quốc tế, số lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm trên 50% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, với bình quân thời gian lưu trú dưới 10 ngày, mức chi tiêu bình quân chưa tới 900USD.
Trong khi đó, khách du lịch châu Âu lưu trú bình quân 15 ngày hoặc nhiều hơn, và chi tiêu bình quân 1.400-1.600 USD. Khách du lịch đường dài đến từ Bắc Mỹ, Australia và New Zealand cũng có đặc điểm tương tự khách châu Âu. Do vậy để đạt được các mục tiêu ngành du lịch đề ra đến năm 2020, giải pháp đơn giản nhất là có chính sách hỗ trợ cởi mở hướng tới khách du lịch ở những thị trường chi trả cao.
Vì vậy, việc miễn thị thực cho 5 quốc gia châu Âu nêu trên, kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, gia hạn miễn thị thực 5 năm… là cần thiết. Bên cạnh đó, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thị thực điện tử thông qua nâng cấp trang web, thay đổi tên miền để tránh nhầm lẫn…
Hiện nay, dự thảo Nghị quyết 19 năm 2018 đang được hoàn thiện, trong đó các bộ, ngành liên quan cơ bản đồng thuận kiến nghị Chính phủ miễn visa du lịch cho thêm 1 số quốc gia khác đã có nghiên cứu và đánh giá kỹ về lượng khách, lượng ngày lưu trú, mức chi trả cao... cũng như cải thiện nhiều điểm về chính sách visa.
Tuy nhiên, tiến độ ban hành Nghị quyết 19/2018 vẫn chưa rõ có ban hành được trong tháng 4 hay không? Và nếu ban hành xong có thể còn chờ lâu mới đi vào thực hiện, điều này sẽ khiến ngành du lịch gặp khó khăn đáng kể.

Các tin khác