Ngành bán lẻ đang định hình lại các hình thức kinh doanh mới, xu hướng khai thác tối đa từng phân khúc thị trường, tinh giản hệ thống và tăng tính trải nghiệm cho khách hàng.
Nhiều cuộc “thay ngôi, đổi chủ”
Ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục đứng vào tốp các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Với dân số đạt gần 100 triệu người, trong đó gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị, tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực và tầng lớp trung lưu xuất hiện ngày càng nhiều, Việt Nam trở thành một trong những địa điểm đầu tư nổi bật của hầu hết các nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Metro Cash&Carry, Casino Group, Parkson, Auchan, 7-Eleven, Aeon, Lotte Mart… Ở trong nước, bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Saigon Co.op (chủ đầu tư chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.op Food), Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, FPT Shop, Hapro Mart, còn có thêm nhiều tên tuổi mới như VinGroup với chuỗi siêu thị Vinmart, cửa hàng tiện lợi Vinmart+, Bách hóa Xanh…
Cuộc đua với “đủ mặt anh tài” nội, ngoại đã góp phần làm cho bộ mặt của ngành thương mại Việt Nam thay đổi ngoạn mục. Hàng loạt hình thức kinh doanh văn minh, hiện đại, các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị ra đời, đã và đang thay thế dần kinh doanh truyền thống. Bên cạnh đó, thị trường cũng bắt đầu xuất hiện sự đuối sức của không ít DN bán lẻ, kèm theo là hàng loạt thương vụ M&A với giá trị rất lớn diễn ra ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Điển hình như trường hợp của Pakson (Malaysia), Metro Cash&Carry (Đức), Casino Group (Pháp), Maximark (Việt Nam)...
Năm 2019, người ta tiếp tục chứng kiến các thương vụ M&A đình đám khác như vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Auchan (Pháp) của Saigon Co.op vào tháng 6-2019; vụ thâu tóm Z-Mart (4-2019), Shop & Go (4-2019) và Queenland Mart (9-2019) của Vincommerce; Jolibee thâu tóm chuỗi cà phê Coffee Bean. Đặc biệt, đến tháng 12-2019, là cuộc bắt tay tỷ đô giữa 2 đại gia Masan và Vingroup, trong đó Masan đã thâu tóm toàn bộ chuỗi bán lẻ của Vingroup, gồm chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ và Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco.
Cùng với các thương vụ M&A, nhiều doanh nghiệp (DN) đang rơi vào tình trạng hạt động cầm chừng, tăng trưởng không như mong muốn. 7-Eleven kỳ vọng năm 2020 có 100 điểm bán tại Việt Nam nhưng đến nay mới đạt khoảng 30 cửa hàng.
Hay GS25, khi khai trương điểm bán đầu tiên tại Việt Nam ngày 19-1-2018, đã đặt kế hoạch trong 10 năm sẽ mở 2.500 cửa hàng toàn quốc; nhưng sau gần 2 năm, hệ thống mới vượt mốc 50 cửa hàng. Thực tế hoạt động các DN cho thấy thị trường bán lẻ của Việt Nam dù đầy tiềm năng, nhưng nếu không am hiểu về thị trường, tâm lý tiêu dùng sẽ khó thành công.
DN đa dạng hóa mô hình kinh doanh
Nếu năm 2019 được xem là năm đỉnh điểm của các thương vụ M&A lĩnh vực bán lẻ thì nửa đầu năm 2020, các DN bán lẻ lại bước vào một cuộc đua mới - là sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình bán hàng trực tuyến. Nguyên nhân, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 đã thúc đẩy mua bán hàng online.
“Thương trường là chiến trường”, một thương hiệu rút lui sẽ có một thương hiệu mới hình thành, một mô hình kinh doanh mới ra đời sẽ lấy đi một thị phần đáng kể của mô hình cũ. Điều này hoàn toàn đúng trong bối cảnh của bán lẻ hiện nay.
Để phát triển bền vững, nhiều hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Big C, Vinmart, Aeon, Emart… đã đầu tư nhiều hơn đến TMĐT. Tại mỗi siêu thị đều có đường dây nóng để khách hàng chọn mua và đặt hàng qua điện thoại. Theo tính toán, doanh thu từ bán hàng trực tuyến 6 tháng đầu năm tăng 20%-40% so với cùng kỳ. Ngành hàng như thực phẩm, hóa mỹ phẩm doanh thu tăng 100%.
Một số DN có hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm như Vissan, không chỉ tăng cường bán hàng qua điện thoại, website, fanpage mà còn hợp tác với các sàn TMĐT như Sendo và Now để đa dạng hóa kênh bán, mua hàng.
Trong loại hình bán hàng trực tiếp, những năm gần đây đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, các DN bán lẻ tiếp tục tinh gọn bộ máy, đầu tư nâng cấp các điểm bán, đa dạng hóa mô hình kinh doanh để đáp ứng trải nghiệm mua sắm và yếu tố tiện lợi của người tiêu dùng. Nếu siêu thị không có gì mới, khách hàng sẽ chuyển sang chỗ khác. Nếu chỗ khác đáp ứng tốt nhu cầu trải nghiệm mua sắm, họ sẽ không quay lại chỗ cũ.
Thực tế cho thấy, ngay khi loại hình kinh doanh Shopping Mall (SM - trung tâm mua sắm), Omni-channel (bán lẻ đa kênh) kiểu mới xuất hiện, sở hữu đa chức năng từ mua sắm đến giải trí, diện tích rất lớn, đã trở thành lựa chọn hàng đầu của tín đồ mua sắm, nhiều gia đình tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó là hệ thống các cửa hàng tiện lợi, cung cấp hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Saigon Co.op là ví dụ. Hiện đơn vị này đang tập trung đầu tư chuỗi siêu thị Co.opmart và các cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, các TTTM Sense City, đồng thời bắt tay với đối tác nước ngoài đẩy mạnh các loại hình kinh doanh hiện đại như SM, Omni-channel, các đại siêu thị.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang cạnh tranh khá khốc liệt, đặc biệt là hiện nay nhiều DN đang gặp khó bởi sức mua giảm sút do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Do vậy, khả năng M&A lĩnh vực này sẽ tiếp tục. Để cạnh tranh, các DN bán lẻ cần không ngừng đổi mới, đầu tư để tăng tính trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, sử dụng công nghệ, tăng mức độ nhận diện khách hàng, chiến luợc kinh doanh bài bản... là yếu tố quyết định. Quan trọng hơn cả, DN rất cần chính sách khôn ngoan và linh hoạt, đủ sức là “người dẫn đường” cho DN phân phối trong nước phát triển, làm bệ đỡ cho sản xuất. |