Thị trường trọng điểm của DN ngoại
Nhắc đến các nhà bán lẻ ngoại lớn ở thị trường Việt Nam, 3 cái tên được nhớ đến ngay là Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) và Central Retail (Thái Lan). Điều trùng hợp, cả 3 ông lớn này đều đang có kế hoạch mở rộng và coi Việt Nam là thị trường trọng điểm. Với đại gia bán lẻ Lotte, Việt Nam được xem là thị trường quan trọng thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với Aeon, kế hoạch mở rộng tại thị trường bán lẻ Việt đã được ấn phẩm Nikkei của Nhật Bản hé lộ hồi đầu tháng 10. Theo đó, Aeon sẽ tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025. Một lãnh đạo cấp cao Aeon cho biết, Việt Nam hiện là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược mở rộng hoạt động ở nước ngoài của Aeon.
Cental Retail cũng không lép vế trong cuộc đua mở rộng thị phần tại Việt Nam. Cụ thể, Central Retail công bố kế hoạch chi khoảng 300 tỷ bath mở rộng mạng lưới bán lẻ lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026, từ con số 340 hiện tại. Tổng giám đốc của Centail Retail Việt Nam cho biết, công ty đặt mục tiêu doanh thu 100 tỷ bath vào năm 2026. Được biết năm ngoái doanh nghiệp (DN) Thái này thu về 38,6 tỷ bath. Việt Nam hiện là thị trường ngoài Thái Lan mang lại doanh thu lớn nhất cho Cental Retail.
Nguyên nhân khiến Việt Nam ngày càng hấp dẫn trong mắt nhà bán lẻ nước ngoài, đầu tiên phải kể đến là nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn. Mới đây, tờ Financial Times đã có bài báo với tiêu đề “7 kỳ quan kinh tế trong thế giới đầy lo lắng”, nhận định Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia nổi bật bên cạnh Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia, Nhật Bản. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,2% trong năm nay.
Thực tế, tăng trưởng GDP quý III-2022 của Việt Nam đạt 13,67%, giúp GDP 9 tháng tăng 8,83%. Sức mua của người tiêu dùng đang hồi phục mạnh mẽ. 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4,1 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nhiều DN đã đạt hiệu quả kinh doanh vượt mức trước đại dịch.
Nguyên nhân quan trọng nữa, Việt Nam cam kết khi gia nhập CPTPP, tức sau 5 năm CPTPP chính thức có hiệu lực (vào năm 2024) sẽ bỏ quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với các DN bán lẻ đến từ các nước thành viên CPTPP. Theo đó, việc quy định các hãng bán lẻ nước ngoài đến từ CPTPP phải xin phép mỗi khi mở cửa hàng có diện tích trên 500m2 sẽ được dỡ bỏ. Lực hấp dẫn từ điều này không hề nhỏ.
Áp lực khối nội
Trong khi các nhà bán lẻ ngoại đang không ngừng đưa ra những kế hoạch đầy triển vọng ở thị trường Việt Nam, các nhà bán lẻ trong nước cũng đang rất nỗ lực trong cuộc chiến khốc liệt này. Theo thống kê ở thời điểm năm 2016, 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam thuộc về DN nước ngoài, nhưng đến nay DN nội đang chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước. Hầu hết DN đều đưa ra các tham vọng mở rộng thị phần điểm bán. Như Nova Consumer có kế hoạch mở rộng kênh phân phối lên 450.000 điểm bán lẻ trong tương lai. Hay Thaco sẽ mở 20 siêu thị Emart vào năm 2026, mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam…
Tuy nhiên, việc chiếm ưu thế về số điểm bán chưa thể vẽ lên bức tranh hoàn toàn tươi đẹp cho khối nội. Cuộc thu hẹp quy mô của Bách Hóa Xanh đang phần nào minh chứng cho điều này. Từng là chuỗi có tốc độ mở rộng rất mạnh, nhưng chỉ trong vài tháng gần đây hơn 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh đã bị đóng cửa.
Lãnh đạo DN này cho biết đây là bước lùi cho chiến lược mở rộng “thần tốc” ra toàn quốc vào năm 2023. Nguyên nhân do mới đây Bách Hóa Xanh bị phát hiện bán nấm Trung Quốc đội lốt VietGap. Nhà bán lẻ này đã xin lỗi và ngưng nhập hàng từ nhà cung cấp thiếu trung thực. Nhưng điều đó chưa thể làm hài lòng người tiêu dùng và khả năng họ quay lưng không khó xảy ra.
Cũng là một trong những chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam, Winmart và Winmart+ của Masan hiện có khoảng hơn 3.000 điểm bán trên toàn quốc. Từ năm 2021 Masan đưa nhiều tiện ích vào các siêu thị mini Winmart+, được xem là mô hình mini-mall (trung tâm mua sắm thu nhỏ). Masan đặt mục tiêu mở 30.000 cửa hàng mini-mall trên toàn quốc vào năm 2025, phục vụ 30-50 triệu khách hàng và doanh thu 7-8 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, tương tự Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ của Masan mới đây bị phát hiện bán rau chợ “đội lốt” rau VietGap. Nhà bán lẻ này cũng ngay lập tức xin lỗi và ngưng nhập hàng của đối tác, khẳng định đây không phải chủ trương kinh doanh của công ty.
DN nhanh chóng có phản hồi nhưng niềm tin người tiêu dùng đã phần nào lung lay trước cách lý giải theo kiểu vô can của các chuỗi bán lẻ này. Cùng với thách thức tìm lại niềm tin người tiêu dùng, để tăng tốc mở rộng điểm bán, tăng độ phủ, khả năng tài chính sẽ là điều nhiều chuỗi bán lẻ Việt phải tính toán. Trong khi nguồn lực tài chính mạnh lại luôn là điểm mạnh của nhà bán lẻ nước ngoài.
Nói về việc cạnh tranh giữa khối nội và ngoại trên thị trường bán lẻ Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, cho rằng khi nhà đầu tư nước ngoài ngày càng mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, DN trong nước sẽ phải đối mặt với 3 áp lực. Đó là áp lực đầu tư, phát triển để giữ vững và chiếm lĩnh thị phần mới; áp lực cho đợt tái cấu trúc toàn diện hệ thống từ văn phòng cho đến các cửa hàng, chuỗi cung ứng; áp lực cạnh tranh về số lượng, chất lượng hàng hóa và những giá trị gia tăng cho người tiêu dùng. Và khi Việt Nam thực hiện thêm các cam kết như bỏ ENT cho các nhà bán lẻ đến từ khối CPTPP như Aeon của Nhật Bản từ năm 2024, áp lực cho DN trong nước sẽ càng lớn hơn.
Tại hội thảo cách đây chưa lâu, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. |