Thị trường cà phê bước vào mùa tăng giá

(ĐTTCO) - Năm 2023, doanh nghiệp kinh doanh cà phê toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá hạt cà phê xanh đắt đỏ, làm tăng giá vốn đầu vào và chi phí. Nhiều nhận định cho rằng giá cà phê sẽ ổn định ở mức thấp, sau khi giảm từ tháng 6-2023. 

Thị trường cà phê bước vào mùa tăng giá

Sản lượng và xuất khẩu

Hiếm khi giá cà phê robusta tăng vào các tháng 10 và 11 hàng năm, bởi đó là thời điểm thu hoạch loại cà phê này tại Việt Nam (quốc gia sản xuất robusta lớn nhất). Theo đặc điểm vận động mùa vụ hàng năm, giá loại cà phê này thường giảm vào mùa thu - đông và trong xu hướng tăng giá vào mùa xuân - hè.

Nhưng năm 2023 đã chứng kiến giá robusta bắt đầu đảo chiều tăng sớm ngay từ tháng 10. Nguyên nhân do thị trường quan tâm tới vấn đề thời tiết, khi nhiều quốc gia báo cáo phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt kỷ lục.

Trong năm 2023, nắng nóng khiến sản lượng hạt cà phê xanh từ các quốc gia cung cấp cà phê hàng đầu như Brazil, Indonesia và Việt Nam sụt giảm đáng kể. Thời tiết khắc nghiệt được dự đoán tiếp tục diễn ra, sẽ khiến nguồn cung cà phê xanh càng cạn kiệt trong năm 2024.

Tại Brazil, vụ cà phê của nước này được các hãng nghiên cứu báo cáo hứa hẹn mang lại sản lượng hạt cà phê xanh cao hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, thời tiết ở Brazil được dự đoán ẩm hơn mức cần thiết, sẽ gây ra giai đoạn chín không đồng đều của trái cà phê.

Trong cùng một cây, một số trái cà phê có thể chín hoàn toàn, trong khi số trái khác chưa chín hoặc chín quá mức. Khoảng cách về độ chín của trái cà phê có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuối cùng, dẫn đến số lượng cà phê đạt chuẩn giảm so với trước. Và lo ngại đó làm cho giá tăng.

Với việc các quốc gia chủ chốt đối diện nguy cơ giảm sản lượng tổng, hoặc thiếu lượng cà phê đạt chuẩn, xu hướng giá xuất khẩu hạt cà phê xanh trong tương lai vẫn sẽ ở mức cao trong năm 2024.

Trong khi đó tại Việt Nam (quốc gia có sản lượng cà phê lớn thứ 2 thế giới), theo đánh giá của Volcafe, khả năng gặp phải vấn đề tương tự. Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm mạnh do nguồn cung khan hiếm.

Tốc độ xuất khẩu cà phê đang giảm do nông dân trồng cà phê được cho đang trì hoãn việc bán hàng (găm hàng), tăng lượng cà phê tồn kho để cân bằng giá. Việc giá tăng là điều đáng mừng đối với nông dân trồng cà phê nước ta. Tuy vậy, nếu hoạt động kinh doanh ổn định giữa các phân khúc trong chuỗi ngành, sẽ bền vững hơn. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu đủ cà phê cho các hợp đồng đã ký.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, lượng cà phê thiếu hụt của các hợp đồng đã ký khoảng 80.000-150.000 tấn. Các chuyên gia cũng dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2024. Do đó, hạt cà phê nhân xuất khẩu trong năm tới từ Việt Nam có thể là sự kết hợp giữa cà phê cũ và cà phê tươi.

caphe-1-6245.jpg

Một nước lớn khác về cà phê là Indonesia cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết khô hạn El Nino khiến sản lượng cà phê bị suy giảm. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, sau khi các nhà xuất khẩu dự đoán khả năng thời tiết cực đoan El Nino vẫn ảnh hưởng trong quý I-2024 tại quốc gia này. Hạn hán kéo dài có thể làm giảm sản lượng cà phê của Indonesia trong năm 2024 và 2025.

Bởi nó xảy ra ở 2 khu vực cung cấp cà phê trọng điểm là Java và đảo Sumatra. Khi không có đủ nước cung cấp cho đồn điền cà phê, sản lượng cà phê của Indonesia đang bị đe dọa. Điều này càng dẫn đến hạn ngạch xuất khẩu hạt cà phê xanh thấp, có nghĩa xu hướng giá xuất khẩu hạt cà phê xanh trong tương lai vẫn sẽ ở mức cao trong năm 2024.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ

Nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới có sự tương quan với quy mô GDP kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, điều này tương quan cao với GDP của các khu vực như Mỹ và Châu Âu, bởi tổng tiêu thụ của 2 khu vực này chiếm hơn 40% nhu cầu của thế giới.

Với mức độ tương quan giữa tiêu thụ cà phê thế giới và GDP của Mỹ là correlation = 0,97; dựa trên đà tăng trưởng GDP hiện tại của Mỹ, nhu cầu cà phê thế giới trong mùa vụ 2023-2024 có thể cao hơn so với nguồn cung (được dự báo khoảng 171,4 triệu bao).

Trong kịch bản kinh tế thế giới hạ cánh mềm, nhu cầu cà phê có thể lên tới 173 triệu bao. Mặc dù nguồn cung không quá thiếu hụt, nhưng điều khiến thị trường lo ngại là chất lượng của cà phê, việc thiếu hàng đạt chuẩn tạo động lực cho giá cà phê trên sàn tăng và giữ ở mức cao, bởi giá trên sàn áp dụng cho loại cà phê đạt chuẩn quy định của sàn.

caphe-2-2563.jpg

Trong khi sản lượng mùa vụ mới có thể không đáp ứng được nhu cầu, lượng tồn kho hiện tại có thể nói là thấp nhất kể từ năm 2007 tới nay. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tỷ lệ tồn kho đầu kỳ trên tiêu thụ chỉ đạt 16,3%, và dự báo tỷ lệ tồn kho trên nhu cầu tiếp tục giảm tới cuối vụ, xuống còn 15,7%.

Với tình hình hiện nay, các chủ doanh nghiệp cà phê bắt đầu xây dựng chiến lược mua hàng mới để duy trì hoạt động kinh doanh ổn định. Thí dụ, hãng Wallacea Coffee gần đây đã triển khai hệ thống BYOC (Build Your Own Container), cho phép khách hàng pha trộn cà phê và kết hợp tất cả loại hạt cà phê trong danh mục của hãng bên trong container 20 F/T.

Mặc dù giá cà phê tăng là điều đáng mừng đối với người trồng là nông dân, nhưng đứng ở góc độ mong muốn ngành nghề cà phê phát triển bền vững, việc giá tăng quá cao cũng đáng lo ngại.

Bởi lẽ, điều này có thể thúc đẩy nguồn cung tăng ồ ạt vào năm 2025, dẫn đến xu hướng giảm giá kéo dài vài năm sau đó như đã từng xảy ra trước đây. Điều lo ngại trước mắt, là việc các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang thiếu hàng để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu đã ký.

Các tin khác