Điều đáng ngạc nhiên VN Index tăng điểm mạnh liên tục trong bối cảnh Covid-19 hoành hành và gây nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam.
TTCK đang trong giai đoạn chu kỳ 3 năm
TTCK Việt Nam đang trong 1 chu kỳ tăng điểm lớn, chu kỳ có thể kéo dài từ 3 - 5 năm. Nhà quản lý quỹ huyền thoại Ray Dalio đã từng nhấn mạnh nhiều lần về chu kỳ vận động của nền kinh tế: Điều gì đã khiến 1 nền kinh tế vận động với các cơ chế riêng rẽ, phối hợp, hỗ trợ khiến TTCK đi lên và đi xuống theo từng đợt kéo dài vài tháng, vài năm hoặc thậm chí vài chục năm?
Đó là chu kỳ của một nền kinh tế, chu kỳ của TTCK hay sự tăng trưởng của các cổ phiếu, doanh nghiệp (DN). Và khi một nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tăng trưởng và phát triển, thì TTCK cũng cần phải vận động đi lên trong một số năm, giống như khi nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái hoặc khủng hoảng thì TTCK cũng sẽ đi vào giai đoạn “downtrend” chẳng hạn.
Như vậy nếu tính từ tháng 4-2020 đến nay thì nhiều khả năng TTCK vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng, ít nhất là đến hết năm 2022. Hiện P/E TTCK Việt Nam đang ở mức 18,6 cũng không phải quá cao so với khu vực, do vậy các chỉ số chứng khoán như VN Index sẽ vẫn phải đi tiếp con đường đi lên các điểm cao lịch sử mới.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì mốc 1.500 điểm không phải là không khả thi trong năm nay hoặc sang 2022. Mặc dù VN Index đang đứng trước ngưỡng cản 1.420-1.430 điểm, nhưng mốc 1.500 điểm hoàn toàn bị chinh phục trong giai đoạn 2021 mà không làm chúng ta quá bất ngờ.
Có lẽ “trạng thái bình thường mới của nền kinh tế” đã gây ra những xáo trộn mới, thói quen tiêu dùng, quan điểm về đầu tư của các NĐT đã thay đổi. Sử dụng công nghệ, giao dịch tiện lợi, ngồi một chỗ để thực hiện các hành vi giao dịch điện tử, mua sắm online, đầu tư cổ phiếu trực tuyến.
Thói quen đầu tư, chi tiêu mới đi kèm với làn sóng mở tài khoản lớn để đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn như là câu chuyện cổ tích mà nhiều NĐT mới, NĐT F0 từng mơ ước.
Nhưng chưa phải ở giai đoạn nguy hiểm
Nhưng chưa phải ở giai đoạn nguy hiểm
Câu chuyện nghẽn lệnh trên HoSE đã từng là nguyên nhân khiến nhiều NĐT khá bức xúc, hoang mang giai đoạn cuối 2020 và đầu năm 2021. Giải pháp điều chỉnh lô cổ phiếu giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu hoặc hạn chế hủy/sửa lệnh cũng chỉ là giải pháp tình thế cho đến khi chúng ta triển khai 1 hệ thống đặt lệnh mới hiệu quả, một giải pháp mang tính bền vững hơn. Dòng tiền lớn cùng với lực cầu lớn đã nhập cuộc, và đương nhiên mặt bằng cổ phiếu sẽ neo ở mức giá cao mới.
Trong khi đó các NĐT mới chưa hề có khái niệm về giá trị cổ phiếu hoặc chí ít là chưa hiểu nhiều về cơ chế vận hành của TTCK, triển vọng của các DN, họ cũng chưa từng hoặc chưa bao giờ nhìn thấy TTCK tăng mạnh như giai đoạn gần đây.
Với sự lạ lẫm nên mọi diễn biến tăng điểm của TTCK lên các điểm cao mới đều khiến các NĐT lo ngại và có những lo lắng thêm liệu TTCK đã tăng nóng chưa, khi nào điều chỉnh?
Thực ra lý thuyết Dow cũng đã giải thích rằng, một xu hướng sẽ tăng cho đến khi xu hướng đó đảo chiều giảm. Đơn giản là chúng ta chưa nhìn thấy thời điểm nào giai đoạn tăng giá cho đến khi sẽ đảo chiều vào giai đoạn downtrend. Chính vì thế các NĐT vẫn nên cứ đón nhận các cơ hội, chọn lọc các cổ phiếu để đầu tư.
Đã có giai đoạn ở thập niên 80, rất nhiều NĐT Mỹ cũng đã nghĩ rằng giá cổ phiếu của nhiều DN ở mức cao, tỷ lệ P/E không còn hấp dẫn, và rồi nỗi nghi ngại đã hoàn toàn bị dẹp bỏ khi chứng kiến TTCK Mỹ tăng mạnh chưa từng thấy giai đoạn những năm 90, bong bóng dot.com.
Nhìn lại TTCK Việt Nam cũng có thể thấy mặt bằng cổ phiếu đã lên mức cao chưa từng có, nhiều cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử như nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, hóa chất, cảng biển… Nhưng chúng ta đừng quên rằng giá cổ phiếu còn phụ thuộc nhiều vào lợi nhuận kỳ vọng, triển vọng doanh thu của các DN niêm yết trong tương lai.
Hoàn cảnh mới rất nhiều DN gặp khó khăn nhưng vẫn có nhiều DN lại ăn nên làm ra, như nhóm ngành tài nguyên cơ bản, thép, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, cảng biển, công nghệ, viễn thông và hóa chất.
Như vậy TTCK Việt Nam đang ở mức cao mới, vốn hóa TTCK tăng mạnh hơn rất nhiều so với các năm trước, nhưng không có nghĩa rằng TTCK đang ở mức nguy hiểm.
Làn sóng xã hội hóa chứng khoán
Có lẽ rào cản về kiến thức, thiên kiến sai lệch về thị trường sẽ dần được gỡ bỏ. Rõ ràng con người ta chỉ tham gia đầu tư cái gì trừ phi họ có hiểu biết về nó.
Chứng khoán cơ sở, đầu tư cổ phiếu cũng đã không dễ dàng gì khi phải tìm hiểu nhiều thông tin, hiểu biết DN, triển vọng của nhiều cổ phiếu chưa nói gì đến các sản phẩm, công cụ phái sinh. Nhu cầu được tìm hiểu, cung cấp thông tin, nhu cầu được đào tạo, cung cấp kiến thức cũng như sự trải nghiệm đầu tư trên TTCK là rất lớn.
TTCK Việt Nam còn non trẻ, số lượng người biết về TTCK, đầu tư tham gia vào TTCK còn khá hạn chế. TTCK mới chỉ ra đời hơn 20 năm nay, TTCK phái sinh mới chỉ khoảng gần 4 năm nay, trong khi TTCK phái sinh các nước trong khu vực đã ra đời từ những năm 1984 - 1990.
Các NĐT khi và chỉ khi tự tin tham gia vào TTCK đó là chính họ phải hiểu được đầu tư vào TTCK có an toàn, có quá rủi ro và mạo hiểm như họ được người khác nhồi nhét, tư vấn đối với họ không.
Với nhiều người, TTCK còn quá mới mẻ và có quá nhiều rủi ro như một số NĐT “kinh nghiệm thương đau” chia sẻ. Có lẽ thời kỳ khai sáng, quá trình phổ biến kiến thức cũng như niềm tin vào triển vọng kinh tế, triển vọng TTCK đang lớn dần.
TTCK Việt Nam cũng cần phải đi đúng con đường mà các nước khác trong khu vực đã đi và vận động theo hướng đi lên như là mục tiêu ban đầu từ thủa “hỗn mang”. Các sản phẩm tài chính mới, những kênh đầu tư đa dạng đáp ứng nhiều nhu cầu đầu tư khác nhau sẽ ra đời nhiều hơn.
TTCK Việt Nam cũng sẽ phải tiến tới câu chuyện nâng hạng. Mặt bằng cổ phiếu nhìn về dài hạn sẽ lại phải tăng nhiều hơn nữa. Chúng ta cần phải duy trì tinh thần lạc quan với triển vọng phát triển của nền kinh tế cũng như TTCK.