Thị trường chứng khoán có vượt qua “cú đánh kép”?

(ĐTTCO)-Giữa lúc thị trường chứng khoán (TTCK) đang “quay cuồng” lo lắng với áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu và xu hướng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương, thì xung đột Nga-Ukraine lại nổ ra. Đó là “cú đánh kép” với các thị trường tài chính, vì hai rủi ro này bổ sung cho nhau. “Bão giá” hàng hóa toàn cầu càng được tiếp thêm động lực, thúc đẩy lạm phát và áp lực nâng lãi suất càng lên cao.

Chỉ số Bloomberg Comodity Index (màu xanh) bao gồm 23 loại hợp đồng tương lai các hàng hóa khác nhau, đang tăng cực mạnh từ 2021 và đặc biệt mạnh từ đầu 2022. Chỉ số này được coi là một chỉ báo về xu hướng của lạm phát hoặc sự gia tăng chi phí tr
Chỉ số Bloomberg Comodity Index (màu xanh) bao gồm 23 loại hợp đồng tương lai các hàng hóa khác nhau, đang tăng cực mạnh từ 2021 và đặc biệt mạnh từ đầu 2022. Chỉ số này được coi là một chỉ báo về xu hướng của lạm phát hoặc sự gia tăng chi phí tr
Biến số bất định
Cho đến đầu năm 2022, các mục tiêu kiềm chế lạm phát của Mỹ khá rõ ràng và kế hoạch nâng lãi suất của Fed được thị trường dự đoán tốt. TTCK Mỹ có một nhịp sụt giảm mạnh trong tháng 1-2022 từ đỉnh cao lịch sử để phản ánh trước kỳ vọng lãi suất mục tiêu. Chỉ số S&P500 giảm hơn 10% trước khi phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, khi căng thẳng Nga - Ukraine tăng nhiệt, các thị trường lập tức chiết khấu thêm rủi ro về xung đột nóng. Vấn đề là giới đầu tư khó có thể đoán trước được quy mô xung đột ở mức nào. Nhiều chuyên gia, định chế đầu tư quốc tế đều có báo cáo phân tích dự báo về xung đột, nhưng phần lớn thiên về kịch bản căng thẳng tại hai vùng ly khai chứ không phải một cuộc xung đột toàn diện. Nói cách khác, xung đột có giới hạn sẽ không tạo nên những thay đổi sốc trên thị trường hàng hóa, thương mại và dòng chảy vốn toàn cầu.
Do vậy mới có các thống kê lịch sử rằng, các cuộc chiến tranh không ảnh hưởng nhiều tới biến động của TTCK. Chẳng hạn cuộc chiến tại Iraq năm 2003 chỉ khiến S&P500 giảm 3%, sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 chỉ số này giảm 0,2%... Thống kê quốc tế tổng kết 29 cuộc khủng hoảng địa chính trị từ 1945 đến nay, chỉ mất trung bình 3 tháng, S&P500 lại phục hồi và lên cao hơn trước khủng hoảng.
Tuy nhiên xung đột Nga - Ukraine lại là xảy ra ở thời điểm các lệnh trừng phạt lẫn nhau được sử dụng nhiều hơn bao giờ hết, nhất là từ sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có thể thấy trong gần 2 tuần qua, hàng loạt biện pháp trừng phạt và đáp trả được các bên tung ra ở quy mô cực lớn, thậm chí là chưa từng có như việc loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, đóng cửa toàn bộ không phận lẫn nhau... Quy mô lần này không chỉ ở số lượng các nền kinh tế “dính líu” vào cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau, còn ở sự đa dạng các lĩnh vực bị trừng phạt. Đó là điều thị trường tài chính chưa từng được chứng kiến.
 Cho đến hai tuần sau khi xung đột nổ ra, các biện pháp trừng phạt vẫn chưa rõ ràng khiến giới đầu tư chỉ có thể dò đoán ảnh hưởng và mức độ. Chẳng hạn phía Nga vẫn chưa có các động thái đáp trả cụ thể. Nga là quốc gia cung cấp hầu hết các loại hàng hóa quan trọng của thế giới, từ hóa chất tới dầu, nông sản, vật liệu khoáng sản...
Chính vì vậy ngay cả khi Nga chưa “phản đòn”, giới đầu tư toàn cầu đã lo lắng. Nếu Nga sử dụng dầu và khí đốt làm công cụ trừng phạt đáp trả, đó sẽ là viễn cảnh tồi tệ với thế giới trong bối cảnh đà phục hồi tăng trưởng hậu covid còn rất mong manh. Ngay cả khi chưa tính đến dầu và khí, giá các mặt hàng xuất khẩu lớn của Nga như ngũ cốc, phân bón, thép, nhôm... cũng đã tăng vọt vì khó khăn trong khâu thanh toán, vận chuyển.

Trong nguy có cơ
Có một điều khá hiển nhiên rằng, xung đột Nga-Ukraine dù có kết thúc nhanh hay chậm, thì “cuộc chiến trừng phạt” sẽ không kết thúc. Các lệnh trừng phạt qua lại từ thời chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn còn nguyên, các lệnh trừng phạt từ thời điểm Nga sáp nhập Crimea vẫn chưa dỡ bỏ. Do vậy cuộc đối đầu lần này ở tầm cao hơn và rộng hơn, gay gắt hơn thì việc một bên lùi bước coi như thua. Do đó hậu quả kinh tế của xung đột Nga-Ukraine sẽ làm thay đổi các mối quan hệ quốc tế về thương mại lẫn tín dụng.
Đơn cử, hàng hóa của Nga sẽ bị hạn chế, thậm chí là ngăn cản ở thị trường châu Âu hay Mỹ và ngược lại. Điều này gián tiếp dẫn tới sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp toàn cầu có liên quan đến các thị trường đó.
TTCK toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng những tuần qua đã diễn ra một quá trình định giá lại các tác động nói trên. Cổ phiếu lĩnh vực tài chính sụt giảm mạnh, trong khi cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu tăng vọt. Với diễn biến giá dầu tăng cao, dĩ nhiên các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn đều hưởng lợi và điều này không khó đoán.
Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng xuất hiện với các doanh nghiệp thép khi Nga và Ukraine chiếm tới 21% tổng lượng nhập khẩu vào thị trường EU trong 11 tháng 2021. Thị phần này có thể co hẹp, thậm chí là bỏ trống, tức cơ hội cho những doanh nghiệp khác. Thị trường thủy sản tại EU cũng có thể cần bù đắp nếu thị phần của Nga bị thu hẹp...
Ngoài ra các yếu tố giá hàng hóa cơ bản tăng bùng nổ cũng đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành. Khai thác than đang được lợi về giá khi mặt hàng này Nga là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới theo số liệu năm 2020. Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới với thị phần 22% cũng đồng nghĩa với giá ngô tăng vọt, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi tăng. Thị trường phân bón cũng phải đặt câu hỏi khi Nga chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại thế giới mặt hàng này...
Đối với giới đầu tư, không bao giờ một sự kiện nào mang tính một chiều tiêu cực. Trong nguy luôn có cơ và điểm khác biệt là nhìn thấy sớm cơ hội và không lạc bước vào phần rủi ro. Giá cả hàng hóa tăng vọt tạo áp lực lạm phát và kéo theo là áp lực tăng lãi suất thường được coi là rủi ro đối với TTCK. Nhưng cơ hội lại chính là những doanh nghiệp gia tăng được lợi nhuận trong bối cảnh đó.

Các tin khác