Mùa vụ thuận lợi ở Ấn Độ
Nguyên nhân giảm của giá đường do thị trường kỳ vọng vào sản lượng tăng ở Ấn Độ. Theo nguồn tin từ ISMA (Hiệp hội Nhà máy đường Ấn Độ), sản lượng đường lũy kế từ đầu mùa vụ 2021-2022 (tháng 10-2021 đến hết tháng 1-2022) đạt 18,71 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với mức 17,71 triệu tấn của cùng kỳ mùa vụ 2020-2021, tương ứng tăng 5,7%.
Các tổ chức dự báo thường dựa vào mức sản lượng lũy kế của những tháng đầu vụ để dự phóng sản lượng của cả mùa vụ thu hoạch. Do đó, đây là dấu hiệu cho thấy một mùa vụ bội thu của ngành mía đường Ấn Độ. Theo tính toán, dự kiến đến hết tháng 5, sản lượng mùa vụ 2021-2022 có khả năng đạt mức 35,6 triệu tấn, cao hơn khoảng 1,84 triệu tấn so với mức 33,76 triệu tấn của mùa vụ trước.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của Ấn Độ, USDA dự báo khoảng 28,5 triệu tấn. Như vậy, cán cân cung - cầu ở thị trường Ấn Độ mùa vụ 2021-2022 thặng dư khoảng 7,1 triệu tấn.
Dù sản lượng đường của Ấn Độ mùa vụ 2021-2022 dồi dào, nhưng giá xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Nguyên nhân do ngành công nghiệp mía đường của Ấn Độ vẫn chủ yếu dựa vào lao động thủ công, dù quy mô sản lượng của nước này đã xấp xỉ với Brazil.
Trong khi đó, ngành mía đường Brazil đã hoàn toàn cơ giới hóa trong khâu trồng và thu hoạch mía. Để hỗ trợ cho xuất khẩu từ triển vọng nguồn cung dồi dào, chính phủ Ấn Độ đã có chính sách hỗ trợ với các khoản trợ cấp, nhằm khuyến khích hoạt động xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ, duy trì ổn định giá đường trong nước, tạo nguồn thu nhập bền vững cho nông dân trồng mía.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 12-2021, WTO đã kết luận các chính sách của Ấn Độ vi phạm các nguyên tắc đã ký kết trong các hiệp định thương mại. WTO đã đưa ra quyết định này sau 2 năm điều tra dựa trên các kiến nghị từ phía các cường quốc mía đường khác như Brazil, Australia…
Để kháng cáo quyết định này, Ấn Độ có khoảng thời gian 60 ngày, nhưng đến nay vẫn chưa thấy Ấn Độ có khả năng kháng cáo thành công. Do đó, trong thời gian tới, nếu Ấn Độ phải chấm dứt các chính sách trợ cấp, việc nguồn cung dồi dào của Ấn Độ sẽ khó gây ảnh hưởng đáng kể đến cán cân cung - cầu của thế giới.
Vì vậy, hãng tin Reuters đã dự báo lượng đường xuất khẩu của Ấn Độ chỉ khoảng 6 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, thấp hơn khoảng 1,2 triệu tấn, tương đương giảm 16,7% so với mùa vụ trước, cũng như thấp hơn 1 triệu tấn, tương đương thấp hơn khoảng 14,3% so với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hồi tháng 11-2021. Cũng theo tin từ Reuters, lũy kế từ đầu mùa vụ đến hiện tại, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 4,6 triệu tấn đường.
Dự báo cung-cầu 2022-2023
Dự báo cung-cầu 2022-2023
Thị trường đang kỳ vọng vào sản lượng mía đường tăng của Ấn Độ (quốc gia tiêu thụ đường lớn nhất thế giới, và sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil). |
Cụ thể, hãng này dự báo sản lượng đường mùa vụ 2022-2023 khoảng 188,98 triệu tấn, tương ứng tăng 2% so với mùa vụ trước nhờ sự phục hồi sản lượng của Brazil và Thái Lan. Về phía tiêu thụ, Green Pool dự báo nhu cầu khoảng 188,66 triệu tấn, tương ứng tăng 1,26%.
Tuy nhiên, cán cân cung - cầu này có khả năng thay đổi lớn, nếu giá dầu vẫn tiếp tục tăng lên do căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine. Bởi các nhà máy mía đường tại Brazil có khả năng lựa chọn chuyển đổi trực tiếp giữa việc sử dụng mía để sản xuất đường, hoặc dùng mía để sản xuất ethanol.
Theo dự báo hiện tại của hãng Green Pool, khi giá dầu ở mức cao sẽ kéo theo giá ethanol ở thị trường Brazil tăng lên, dẫn tới các nhà máy nâng tỷ lệ mía sử dụng sản xuất ethanol và giảm tỷ lệ sản xuất đường xuống. Với vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, tỷ lệ cân đối giữa ethanol và đường tại Brazil có khả năng làm sản lượng đường chuyển sang thiếu hụt thay vì cân bằng .
Ở góc độ khác, theo nhận định từ SaiGonFutures, giá đường thế giới hiện tại chỉ cao hơn giá ethanol nội địa của Brazil khoảng 2 cent/lb. Nếu giá dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới, khoảng cách trên sẽ ngày càng thu hẹp, gây ảnh hưởng mạnh đến quyết định sản xuất trong niên vụ 2022-2023 của Brazil. Trong khi đó, mùa vụ mía đường 2022-2023 tại Brazil bắt đầu từ tháng 4-2022.
Về yếu tố tác động bởi tỷ giá, giá đường có mối tương quan nghịch với tỷ giá USD/BRL (tương quan giá trị giữa đồng USD và đồng Real của Brazil). Trong khi đó, các quan chức Cục Dực trữ liên bang Mỹ (Fed), cho rằng cần đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ hơn nữa, sau khi chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm, ở mức 7% hồi tháng 12-2021 so với cùng kỳ 2020.
Ngân hàng Goldman Sachs thậm chí còn dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 7 lần trong năm nay, thay vì mức 3 lần tăng lãi suất như dự kiến trước đó. Nếu tốc độ tăng lãi suất của Fed quá nhanh, có thể ảnh hưởng tới tâm lý thị trường khi dự báo tăng trưởng GDP có nguy cơ điều chỉnh giảm, từ đó ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ đường trong mùa vụ 2022-2023, gây sức ép lên giá.