Rủi ro khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo
Kể từ khi chứng kiến thâm hụt cán cân cung - cầu kể từ 2007-2008, lần đầu tiên thế giới đã trải qua 2 mùa vụ liên tiếp thâm hụt cán cân cung - cầu trên thị trường gạo. Theo đo, trung bình giá gạo tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, ngay cả ở các cường quốc xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… Theo tính toán của Ngân hàng DBS, lạm phát gạo đã tăng từ mức trung bình 6% lên gần 12% vào tháng 6 vừa qua.
Trong bối cảnh mùa vụ 2023-2024 được dự báo vẫn tiếp tục cung không đủ cầu, nên Ấn Độ đã quyết định cấm xuất gạo trắng non-basmati kể từ 20-7 để kiềm chế đà tăng giá ở thị trường nội địa. Quốc gia này chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt kỷ lục 22,5 triệu tấn trong mùa vụ 2022-2023, nhiều hơn tổng xuất khẩu của 4 quốc gia lớn tiếp theo trên thế giới là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.
Động thái cấm xuất khẩu đối với gạo trắng non-basmati tạo nên mối quan ngại lớn đối với an ninh lương thực ở nhiều quốc gia. Bởi lượng xuất khẩu mặt hàng này của Ấn Độ trong mùa vụ 2022-2023 đạt 10,3 triệu tấn, trong tổng số 17,86 triệu tấn gạo non-basmati, và tương đương tới 46% tổng lượng gạo xuất khẩu của quốc gia này.
Ấn Độ xuất khẩu gạo tới phạm vi hơn 140 quốc gia. Những nước mua chính đối với gạo non-basmati của Ấn Độ bao gồm: Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal. Trong khi các quốc gia như Iran, Iraq và Saudi Arabia chủ yếu mua gạo basmati cao cấp của Ấn Độ. Lệnh cấm xuất khẩu gạo lần này cũng là động thái leo thang căng thẳng vốn đã sẵn có trên thị trường gạo, sau khi cũng chính Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9-2022 và áp thuế 20% với xuất khẩu các loại gạo.
Do nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu tăng trưởng tốt và giá tăng liên tục, nên Ấn Độ cũng đã tăng giá mua lúa thường vụ mới từ nông dân thêm 7% lên 2.183 Rupee (26,63 USD/100kg) để thúc đẩy diện tích trồng lúa, nhưng giai đoạn gần đây lượng mưa phân phối bất thường đe dọa đến sản lượng nguồn cung sắp tới.
Tình trạng gió mùa đến muộn dẫn đến lượng mưa thiếu hụt lớn cho đến giữa tháng 6 năm nay. Sau đó, những trận mưa lớn kể từ tuần cuối cùng của tháng 6-2023 đã làm vơi đi nỗi lo thiếu hụt, nhưng bù lại cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho mùa vụ. Thị trường thế giới lo ngại bởi việc trồng lúa vụ hè ở Ấn Độ diễn ra từ tháng 6 và chiếm hơn 80% tổng sản lượng của nước này.
Liệu có cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu khác?
Công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence đã đánh giá tác động của lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ trong một báo cáo gần đây, và được công bố trước cả khi lệnh cấm của quốc gia này được ban hành. Nội dung của báo cáo cho rằng, việc này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào gạo.
Các điểm đến hàng đầu của gạo Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin và Nepal. Trong đó, Bangladesh và Nepal sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nước châu Phi khác cũng nhập khẩu một lượng lớn gạo Ấn Độ. Và khi các nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng có thể chuyển sang các nhà cung cấp thay thế trong khu vực, như Thái Lan và Việt Nam. Điều đó là tất yếu để đảm bảo an ninh lương thực như nhiệm vụ của mỗi quốc gia.
Tuy rằng, với vị thế là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, đạt sản lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn hàng năm, nhưng Việt Nam cũng nhập khẩu trung bình 1,7 triệu tấn mỗi năm kể từ mùa vụ 2020-2021 đến nay. Tính từ đầu năm nay đến hết tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 900.000 tấn gạo, trong đó 650.000 tấn từ Campuchia và phần còn lại chủ yếu từ Ấn Độ.
Trung bình trong nhiều năm trước đó, lượng nhập khẩu gạo từ Campuchia khoảng 500.000 tấn/năm, lượng hàng này chủ yếu xay xát và bán ở Việt Nam, do Campuchia thiếu năng lực xay xát. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, lượng nhập khẩu gạo từ Campuchia đã tăng gấp đôi mức trung bình do nguồn cung tại Việt Nam bị thắt chặt. Cũng từ năm 2021, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu gạo tấm và gạo xay xát của Ấn Độ với mức trên 800.000 tấn/năm.
Trong dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam mùa vụ 2023-2024 tiếp tục duy trì trên 1,7 triệu tấn. Bài toán đẩy mạnh xuất khẩu gạo có thể lợi bất cập hại, và cần tính toán kỹ bởi chưa chắc đã hiệu quả hơn so với việc ổn định giá lương thực trong nước, nằm trong bài toán tổng thể kiềm chế lạm phát của chính phủ.
Trong khi câu chuyện lạm phát đang là chủ đề chính tạo nên nguy cơ suy thoái kinh tế ở nhiều nước bởi phải duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát. Một số quốc gia đã có động thái nối đuôi nhau cấm xuất khẩu gạo như Nga và UAE để kiềm chế giá lương thực, liệu Việt Nam có phải là ngoại lệ?