Quanh khu vực Công trường Quốc tế (quận 3), nhà hàng, quán cà phê đã lấp kín các mặt bằng cho thuê
Nhộn nhịp những khu phố thương mại
Những ngày này, người đi đường có dịp qua lại khu vực Công trường Quốc tế (quận 3), điểm giao giữa đường Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân, sẽ chứng kiến cảnh người đến, người đi đông đúc tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Tại đây, các mặt bằng hầu như đã được thuê kín.
Còn tại khu vực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), con phố kinh doanh ẩm thực sầm uất nhất, nhì các quận nội đô, các mặt bằng đẹp đang được giới kinh doanh săn lùng, dù giá thuê tại khu vực này trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Theo ghi nhận, những mặt bằng ở vị trí đắc địa hầu như không còn chỗ trống trên tuyến phố này, chỉ còn một số vị trí nằm trong các trục đường nhánh…
Khảo sát trên một số tuyến đường, khu vực khác như Lê Văn Sỹ, Phạm Văn Hai (quận Tân Bình); Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phan Văn Trị, Quang Trung, Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp)... giá thuê mặt bằng đang tăng khá cao.
Anh Nguyễn Đức, chủ một mặt bằng, chia sẻ, Gò Vấp đang trở thành địa điểm được nhiều chuỗi cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) lớn nhắm đến, do giá thuê còn mềm hơn so với một số quận như quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận… Nhiều chuỗi F&B có thể sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để thuê được một địa điểm kinh doanh tiềm năng.
Trước sự hồi phục khó tin của thị trường mặt bằng so với thời điểm quý 4-2021, anh Hứa Văn Đạt, chủ một mặt bằng trên đường Lê Văn Thọ (phường 14, quận Gò Vấp) đang dự tính tăng giá cho thuê. Anh Đạt cho hay, trong tháng 4 tới, khi cơ sở kinh doanh cà phê hết hạn hợp đồng, anh sẽ thông báo tăng giá thuê tương xứng với nhiều vị trí khác trên tuyến đường Lê Văn Thọ.
Nhận định thị trường cho thuê đang có dấu hiệu phục hồi, trang thông tin điện tử Chợ Tốt Nhà thống kê, giá thuê mặt bằng kinh doanh với diện tích 60-100m² ở một số trục đường chính tại quận 1, như đường Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng khoảng 200 triệu đồng/tháng; trục đường Nguyễn Thị Minh Khai có mức giá 80-200 triệu đồng/tháng; trục đường Đề Thám có giá khoảng 120 triệu đồng/tháng… Một khu vực khác là quận 10, trên các trục đường kinh doanh sôi động như 3-2, Sư Vạn Hạnh, giá thuê mỗi mặt bằng ở mức 30-70 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Colliers Việt Nam ghi nhận giá thuê mặt bằng tại một số tuyến phố quan trọng ở quận 1 dao động trong khoảng 100-200 triệu đồng/tháng, với các mặt bằng trên dưới 100m².
Đối với quận 7, tại trục đường Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Thị Thập, giá thuê mỗi mặt bằng đang dao động ở mức 20-45 triệu đồng/tháng. Qua khảo sát, hầu hết chủ cho thuê mặt bằng kinh doanh ở các quận trung tâm đều có chung xu hướng lựa chọn khách hàng kinh doanh trong các lĩnh vực như y tế, thuốc men hay mở siêu thị mini, đặt phòng giao dịch ngân hàng…
Đón đầu phục hồi kinh tế
Không chỉ mặt bằng nhà phố mà mặt bằng ở các khu trung tâm thương mại cũng khá sôi động từ giáp Tết Nguyên đán đến nay, khi các chủ đầu tư tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút các nhà kinh doanh quay trở lại.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định, tại thời điểm này, người thuê mặt bằng nhà phố ở TPHCM có 2 lợi thế. Thứ nhất là dễ tiếp cận được mặt bằng ở vị trí thuận lợi. Thứ hai là chủ động thương lượng được giá tốt với bên cho thuê. Khi nền kinh tế của thành phố lấy lại đà phục hồi, thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê sẽ sôi động theo. Có thể đến cuối quý 1, đầu quý 2-2022, thị trường này sẽ kín chỗ.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, phân tích, cùng với đà hồi phục của các hoạt động kinh tế, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh cũng dần tăng trở lại. Tại TPHCM, tuyến phố chính ở các quận trung tâm sẽ là khu vực được quan tâm nhiều nhất. Nhiều chủ nhà vẫn áp dụng giảm giá trung bình khoảng 10%-15% so với trước dịch. Như vậy, đây là thời điểm khá tốt để tìm kiếm mặt bằng khi mà giá vẫn còn tương đối mềm và có nhiều lựa chọn cho người thuê. Nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát hiệu quả và không gây nên nhiều tác động tiêu cực thì khoảng vài tháng nữa, phân khúc mặt bằng cho thuê sẽ có mức giá tương đương giai đoạn trước dịch. |