Thị trường ngoại chuộng nông sản Việt

(ĐTTCO) - Với khát vọng chinh phục thị trường thế giới bằng những sản phẩm “make in Việt Nam”, các doanh nghiệp trong nước đã đưa nhiều nhóm hàng hóa mang đậm bản sắc Việt tham gia sâu vào chuỗi phân phối cung ứng toàn cầu. Nhiều chủ doanh nghiệp tự tin khẳng định đã đi đúng hướng và việc chinh phục thị trường thế giới bước đầu đã thành công. 

Gia công tốt - bước hoàn thiện mình nhanh nhất 
Câu chuyện của Công ty TNHH Duy Anh (Công ty Duy Anh) là một điển hình. Ông Lê Duy Toàn, Tổng giám đốc Công ty Duy Anh chia sẻ, từ đầu những năm đi du học tại Mỹ, ông đã thấy rất nhiều sản phẩm đặc sản Việt Nam. Thậm chí, có những sản phẩm truyền thống chỉ có thể sản xuất tại Việt Nam như bánh tránh, bánh phở, bún… nhưng tại hệ thống siêu thị ở Mỹ thì lại mang xuất xứ từ các quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc…
Từ thực tế đó, ông đã nung nấu ước mơ đưa hàng Việt với thương hiệu Việt đặt được trên hệ thống siêu thị của Mỹ. Tuy nhiên, thời gian đầu nếu DN bắt tay sản xuất sản phẩm trong khi chưa biết yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng, thị hiếu người tiêu dùng thì sẽ không có đối tác nào tiếp nhận hàng hóa của mình. Do vậy, ông đã chọn giải pháp nhận gia công sản phẩm cho các công ty Nhật Bản. Đây là nền tảng để ông nhanh chóng tiếp cận và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bao bì. Đồng thời, nắm bắt được thị hiếu sử dụng sản phẩm của từng thị trường, làm cơ sở để phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Thị trường ngoại chuộng nông sản Việt ảnh 1 Sản phẩm bún, bánh tráng 
của Công ty TNHH Duy Anh được bày bán tại hệ thống siêu thị Nhật Bản 
Hiện, nhà máy sản xuất của Công ty Duy Anh công suất khoảng 800 tấn hàng hóa/ngày. Sản phẩm khá đa dạng như bún dưa hấu, bún thanh long, bánh tráng trắng, bánh tráng gạo lứt, phở, mì các loại... Cũng theo ông Lê Duy Toàn, điều đặc biệt là các dòng sản phẩm do công ty sản xuất đều sử dụng từ nguồn nguyên liệu nông sản trong nước. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Trong đó, thị trường Mỹ là chủ lực với khoảng 20 container/tháng. Riêng đầu năm đến nay, công ty đã mở rộng thêm được nhiều thị trường mới ở Trung Đông, Bắc Âu…
Không dừng lại ở câu chuyện bánh phở, sợi bún, thời gian gần đây đã xuất hiện rất nhiều DN Việt quy mô lớn và đưa thương hiệu Việt “phủ sóng” tại rất nhiều thị trường trên thế giới. Điển hình là sản phẩm nước uống chanh dây của Công ty CP Nafood. Chanh dây là cây trồng khá phổ biến tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại Gia Lai. Vì phụ thuộc vào thương lái xuất khẩu thô nên giá sản phẩm này rất bấp bênh, dao động trên dưới 2.000 đồng/kg.
Thậm chí, có khi giá sản phẩm rớt xuống còn 500 đồng/kg. Do vậy mà người nông dân không mặn mà trồng loại trái này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc công ty, cho biết, thực tế thay đổi khi loại trái cây này được công ty chế biến thành loại nước uống đặc sản được ưa chuộng tại thị trường Mỹ và châu Âu. Hiện Công ty Nafood đã bắt tay cùng nông dân thành lập các vùng chuyên canh trồng chanh dây, đồng thời đầu tư nhà máy chế biến tại đây. 
Ở quy mô lớn hơn, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa sữa Việt và các sản phẩm chế biến từ sữa ra hơn 50 thị trường trên thế giới. Trong đó phải kể đến hợp đồng xuất khẩu bộ ba sản phẩm sữa đậu nành, hạt óc chó và đậu đỏ trị giá 1,2 triệu USD sang thị trường Hàn Quốc. Đây hoàn toàn là những sản phẩm “make in Việt Nam” và từ nguồn nông sản trong nước.
Thị trường ngoại chuộng nông sản Việt ảnh 2 Sản phẩm bún dưa hấu, bún thanh long của Công ty TNHH 
Duy Anh đóng gói, xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu
Theo đại diện Vinamilk, Hàn Quốc được xem là “thủ phủ” ngành chế biến lương thực thực phẩm, nhất là sản phẩm nước uống dinh dưỡng. Các DN nước ngoài thường rất khó chen chân vào thị trường này vì khó cạnh tranh với DN sở tại. Việc Vinamilk xuất khẩu thành công lô hàng này, đã gián tiếp khẳng định lợi thế cũng như giá trị cao của nguồn nông sản trong nước, góp phần mở ra hướng đi tự tin và chắc chắn cho sản phẩm nông sản Việt Nam trong thời gian tới. 
Xây dựng thương hiệu quốc tế cho hàng Việt 
Việt Nam là nước nông nghiệp nên nông sản dồi dào, đa dạng. Tình trạng xuất khẩu thô thời gian dài đã làm giảm giá trị nông sản hàng Việt, đặc biệt là người tiêu dùng trên thế giới nhận diện không đúng về sản phẩm Việt Nam. Chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt ở thị trường nước ngoài được Bộ Công thương triển khai từ năm 2017 đến nay đã tạo hiệu quả tích cực. Sản phẩm Việt mang thương hiệu Việt đã dần tạo được vị thế cho hàng Việt trên thị trường thế giới. Nhờ vậy, vị thế hàng Việt ngày càng được khẳng định, chắc chân hơn trong chuỗi cung ứng. 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn, để có thể tạo hướng đi bền vững hơn cho nông sản Việt, ngoài chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, Chính phủ cần quy hoạch lại vùng trồng nguyên liệu. Theo đó, vùng nguyên liệu được quy hoạch phải đáp ứng các tiêu chí như phù hợp thổ nhưỡng, thế mạnh của từng tỉnh thành và phải được trồng quy mô lớn, tập trung nhằm ổn định nguyên liệu sản xuất cho DN. 
Riêng công tác quản lý thị trường, cần thắt chặt kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và xử lý mạnh tay tình trạng hàng gian, hàng giả nhãn mác thương hiệu Việt. Đấu tranh với DN nước ngoài vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu Việt, sản phẩm nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để DN hiểu đúng, đủ về việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, nhãn hàng. Đây là cơ sở để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tranh mua, tranh bán sản phẩm hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước mà tổn hại phần lớn rơi vào DN Việt chân chính. 
“Ngoài ra, cùng một sản phẩm nhưng thị hiếu tiêu dùng ở mỗi thị trường sẽ có sự khác biệt. Do vậy, về phía DN cũng cần chủ động nắm bắt yếu tố này để có sự điều chế, chế biến sản phẩm của mình phù hợp. Quan trọng hơn, cần đầu tư cho nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới. Phải nói rằng, nông sản nước ta rất đa dạng và phong phú. Việc phát triển sản phẩm mới cũng đồng nghĩa với việc tăng cơ hội phát triển thị trường cho DN Việt”, ông Lê Duy Toàn nhấn mạnh.

Các tin khác