Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi ở cả trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận một số điểm tích cực, trong đó có thị trường tài chính- tiền tệ.
Với chính sách tiền tệ, điểm sáng nổi bật là Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành (từ 0,5-1,5%) nhằm giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Theo đó, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022).
Lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022). Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn mức này nhằm kích thích nhu cầu tín dụng, đồng thời, hướng tới hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Như ngân hàng Bưu điện Liên Việt LPBank vừa quyết định mở rộng gói tín dụng ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng. Với mạng lưới giao dịch rộng khắp, LPBank đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh ở cả thành thị và nông thôn. Mức lãi suất từ 7.5%/năm dành cho vay doanh nghiệp và 8.5%/năm cho khách hàng cá nhân.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt LPBank cho biết: "Các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn sản xuất ngắn hạn, có thể vay vốn sản xuất từ 7,5% với kỳ hạn từ 3-12 tháng. Thủ tục rất đơn giản, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, có mục đích sử dụng vốn rõ ràng là chúng tôi có thể cấp tín dụng".
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng nhà nước xác định dư nợ tín dụng 14 đến 15% tăng trưởng để phù hợp với chỉ tiêu của Quốc hội đưa ra là góp phần tăng trưởng GDP ở mức 6,5% và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng được 4,2%; số tuyệt đối là 12 triệu 423 nghìn tỷ đồng; số tiền huy động được là 12 triệu 691 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản của các ngân hàng đang thừa, tốc độ tín dụng lại tăng trưởng chậm.
Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân là do những khó khăn của nền kinh tế; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; suy giảm mạnh về cầu đầu tư và cầu tiêu dùng. Thậm chí, cả các doanh nghiệp FDI cũng gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc, mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường này. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng vì khó có khả năng bảo đảm và trả nợ, do đó, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú: "Trong những tháng đầu năm 2023, do tác động của rất nhiều chiều, một là khó khăn của nước ta sau 2 năm dịch vẫn còn, hai là tình hình biến động kinh tế thế giới còn phức tạp, tín dụng của ngân hàng cũng bị chiu tác động rất nhiều, tuy nhiên vẫn có những chỉ tiêu lớn Ngân hàng Nhà nước đảm bảo được là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát kỳ vọng đặt ra, giá trị đồng tiền được duy trì ổn định, lãi suất được điều hành rất quyết liệt".
Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong suốt quý 2 năm nay dao động trong biên độ hẹp, trong khoảng 23.610-23.755 đồng đổi 1 đô la Mỹ, tăng 0,4% và về tương đương mức tỷ giá đầu năm. Áy lực tỷ giá từ nay đến cuối năm được nhận định sẽ không nặng nề như năm 2022, nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ không tăng lãi suất bất thường. Trên thực tế, nguồn cung ngoại tệ khá tích cực trong thời gian qua, đến từ dòng vốn FDI giải ngân, thặng dư cán cân thương mại hay dòng tiền gián tiếp từ các thương vụ bán vốn hoặc giải ngân các khoản vay ngoại tệ.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng học viện Ngân hàng TP.HCM phân tích: "Chúng ta đều nói rằng lạm phát ở Mỹ, châu Âu rất cao, Việt Nam là nước nhập khẩu rất nhiều, có khả năng bị nhập khẩu lạm phát về. Chính vì vậy nếu biến động tỷ giá quá lớn sẽ dẫn đến đồng tiền mất giá và lạm phát. Và nếu lạm phát xảy ra thì nó sẽ liên quan đến yếu tố lãi suất, Ngân hàng buộc phải tăng lãi suất. Còn khi mà kiểm soát được lạm phát tốt thi sẽ kiểm soát được lãi suất và các vấn đề liên quan khác như đầu tư, tiêu dùng, GDP".
Điểm tích cực tiếp theo trong bức tranh toàn cảnh vĩ mô nửa đầu năm 2023 là áp lực lạm phát đã giảm hẳn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bình quân cả năm 2023 lạm phát sẽ biến động ở mức khoảng 2,5 - 3,5% và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ hoàn thành. Các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm.
Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%, khó vượt qua 3% nên mục tiêu kiểm soát lạm phát là hoàn toàn đạt được.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ: "Ổn định giá trị đồng Việt Nam, tăng sức mua của đồng Việt Nam thì lạm phát sẽ hạ nhiệt, Bộ Tài chính cần xem xét phát hành lượng trái phiếu ra thị trường phù hợp để không làm tăng đột biến lượng cung tiền trên thị trường".
Về chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ (nhằm kiểm soát nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2021) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cùng với đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của 4 Ngân hàng thương mại lớn, cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1,5-2% cũng đã chính thức được hướng dẫn triển khai.
Theo VOV