Cụ thể, doanh thu cổ tức ước đạt 4.409 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch; doanh thu bán vốn ước đạt 1.390 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 933 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch; doanh thu tài chính ước đạt 1.404 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch.
Lợi nhuận sau thuế ước đạt 8.563 tỷ đồng, bằng 259% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.577 tỷ đồng. Lý giải thêm về lợi nhuận cao, ông Tùng cho biết, kết quả này có được do thị trường chứng khoán thuận lợi, doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng (khoảng 3.000 tỷ đồng) nên lợi nhuận của SCIC tăng trưởng tốt.
So với 19 tập đoàn, tổng công ty mẹ trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC là đơn vị có mức lợi nhuận vượt kế hoạch cao nhất (284%). Ngoài ra, SCIC xếp thứ 2 về lợi nhuận (sau PVN), đứng thứ 3 về nộp ngân sách, đứng thứ 4 về quy mô vốn chủ sở hữu và đứng thứ 2 về chỉ tiêu hiệu quả ROE…
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC, trong năm 2021, SCIC đã đầu tư mua cổ phần tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines. Hiện tại, SCIC đã hoàn tất thủ tục và giải ngân 6.895 tỷ đồng vốn đầu tư vào hãng hàng không này.
Cùng với đó, SCIC đã tham mưu cho ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém, chậm tiến độ thuộc ngành công thương như tái cơ cấu thành công tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM).
Một điểm quan trọng khác, theo ông Thành, SCIC đã phối hợp với Lào và tỉnh Hà Tĩnh hoàn tất quá trình tăng vốn điều lệ và cơ cấu lại tỷ lệ vốn góp tại CTCP Cảng Quốc tế Lào Việt (VLP). Đó là tăng tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp Lào tại VLP từ 20% lên 60%, theo đúng tinh thần Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1, 2 và 3 cảng Vũng Áng.
Bước đi này thúc đẩy sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Lào thông quan qua cảng Vũng Áng năm 2021 đạt hơn 1.200 tấn, tăng hơn 200% so với năm 2019-2020.